MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách quốc tế tự do bơi lội, vui chơi trên các bãi cát giữa vịnh Lan Hạ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Du khách thoải mái bơi lội trên vịnh Lan Hạ nhưng lại bị cấm ở vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng LDO | 17/05/2024 07:28

Quảng Ninh - Cùng thuộc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, nhưng ở vịnh Lan Hạ (Cát Bà), du khách được tự do bơi lội, hoạt động tại các bãi cát giữa biển, trong khi bên vịnh Hạ Long thì ngược lại.

Những hình ảnh của các đoàn du khách quốc tế chèo kayak, bơi lội và nhảy múa trên các bãi cát giữa vịnh Lan Hạ, Cát Bà, Hải Phòng trong những ngày sắp đến hè, trong khi du khách ở vịnh Hạ Long cơ bản vẫn ngồi trên tàu và ngắm các bãi cát đẹp, khiến du khách, những người làm du lịch, nhất là các chủ tàu du lịch vịnh Hạ Long lại khao khát.

Bởi, không chỉ giá vé tham quan vịnh Lan Hạ rẻ hơn nhiều so với giá vé tham quan vịnh Hạ Long, mà các sản phẩm du lịch bên vịnh Lan Hạ cũng hết sức phong phú, đa dạng, khiến cuộc cạnh tranh điểm đến của vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng nhiều.

Du khách quốc tế ghé vào một bãi cát dưới chân núi giữa vịnh Lan Hạ, Cát Bà, Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Hùng
Trong khi đó, dù được ghé vào một bãi tắm giữa vịnh Hạ Long nhưng du khách không được tắm dù thời tiết nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Số lượng du khách trong và ngoài nước quá cảnh từ Tuần Châu, Hạ Long bằng tàu cao tốc để lên tàu du lịch hoạt động bên vịnh Lan Hạ tăng hàng năm và năm 2024 ghi nhận hơn 100.000 du khách sang Lan Hạ bằng tuyến đường này là một minh chứng cho điều đó.

Theo Chi hội tàu du lịch Hạ Long, từ nhiều năm qua, chi hội và Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản đề nghị mở thêm nhiều sản phẩm như bên vịnh Lan Hạ, nhằm phục vụ du khách và tạo thêm sự hấp dẫn của điểm đến vịnh Hạ Long trong bối cảnh cạnh tranh hết sức gay gắt của các điểm đến.

Du khách quốc tế chèo kayak từ tàu du lịch vào một bãi cát giữa vịnh Lan Hạ, Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Hùng

“Hai vịnh ở cạnh nhau, giờ lại về chung một “mái nhà” - là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, nhưng tại sao bên vịnh Lan Hạ lại mở được các bãi tắm, cho du khách bơi lội và tổ chức nhiều hoạt động ở trên đó, trong khi bên vịnh Hạ Long thì cứ bàn đi bàn lại rồi lại để đó” - giám đốc một công ty du thuyền trên vịnh Hạ Long chia sẻ.

Như Báo Lao Động đã phản ánh, trong khoảng 200 bãi cát đẹp giữa vịnh Hạ Long, hiện chỉ có bãi Ti-tốp được phép cho du khách tắm. Với bãi Thiên Cảnh Sơn, du khách chỉ được ghé vào tham quan do hang Thiên Cảnh Sơn nằm trong lịch trình tour, nhưng không được tắm. Đây cũng là bãi cát duy nhất trên vịnh Hạ Long, du khách được ghé vào thăm, trong khi hàng trăm bãi cát đẹp khác, du khách chỉ ngắm từ trên tàu du lịch.

Bãi cát trên đảo Soi Sim giữa vịnh Hạ Long vẫn “đóng cửa” dù được phép đón khách. Ảnh: Nguyễn Hùng

Việc này không chỉ khiến bãi tắm Ti-tốp luôn ở trong tình trạng quá tải vào mùa hè bởi có ngày hàng nghìn lượt du khách chung nhau một bãi tắm, mà còn “tước” đi cơ hội hưởng thụ những gì thiên nhiên ban tặng của du khách bởi việc du khách đi 1-2 ngày đêm trên vịnh Hạ Long nhưng không được tắm đã là chuyện bình thường.

Trong khi đó, theo những người làm du lịch ở Cát Bà, giữa vịnh Lan Hạ có gần 150 bãi cát nhỏ nằm ven các chân núi đá như bên vịnh Hạ Long và du khách được ghé vào tắm, vui chơi ở tất cả các bãi cát đó.

Theo chị Nguyễn Minh Hòa - một hướng dẫn viên du lịch quốc tế - du khách rất ngạc nhiên về sự khác biệt giữa vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ. “Họ đâu có biết thủ tục, quy định mở bãi tắm, dịch vụ ra sao, mà chỉ biết một bên làm được, còn một thì bên cấm. Điều quan trọng là, du khách có nhu cầu trong khi dư địa còn rất lớn” - chị Hòa chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn