MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trạm BTS trên đỉnh núi tại đảo Ti-tốp. Ảnh: Nguyễn Hùng

Du khách vẫn “dài cổ” chờ sóng điện thoại giữa vịnh Hạ Long để “sống ảo”

Nguyễn Hùng LDO | 27/05/2024 14:03

Quảng Ninh - Nhà mạng đã thiết kế và sẵn sàng đầu tư để đưa các trạm phát sóng điện thoại giữa vịnh Hạ Long vào tháng 3.2023 ngay sau chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh, nhưng đến nay, việc “lõm” sóng điện thoại trên vịnh Hạ Long vẫn chưa được giải quyết.

Vẫn tiếp tục bàn

Tại cuộc làm việc mới đây giữa Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan với Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã kiến nghị Chính phủ sớm giao các bộ, ngành quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ việc triển khai phủ sóng thông tin di động trên vịnh Hạ Long, nhất là giải quyết khó khăn việc lắp đặt các trạm BTS trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Câu chuyện “lõm” sóng điện thoại giữa vịnh Hạ Long đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần suốt nhiều năm qua, khi mà du khách đi ra giữa vịnh như bị “mất tích” cả ngày, thậm chí vài ngày vì không thể liên lạc về bờ, các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn khi phải xử lý các vụ việc giữa vịnh cũng như trong công tác quản lý…

Riêng về lĩnh vực du lịch, việc giữa vịnh hầu như không có sóng điện thoại đã khiến vịnh Hạ Long mất đi cơ hội được du khách quảng bá miễn phí hiệu quả, rộng rãi trên toàn cầu.

Theo anh Nguyễn Minh Hoàn - một hướng dẫn viên khách châu Âu, Mỹ, du khách muốn livestream hoặc đăng ảnh vịnh Hạ Long ngay trên tàu hay các điểm du lịch giữa vịnh hầu như không được vì không có sóng điện thoại.

Du khách chụp ảnh nhưng không thể đăng facebook ngay được vì không có sóng điện thoại. Ảnh: Nguyễn Hùng

“Chưa kể du khách bất tiện vì mất liên lạc khi ra giữa vịnh, mà việc không có sóng điện thoại khiến du khách không thể “sống ảo” giữa kỳ quan, qua đó cũng giúp quảng bá hình ảnh của kỳ quan vịnh Hạ Long” - anh Hoàn chia sẻ.

Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện chỉ một vài điểm ở gần bờ mới có sóng điện thoại. Tuy nhiên tín hiệu cũng rất yếu, thậm chí mất sóng hoàn toàn do các dãy núi che chắn.

Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với cộng đồng doanh nghiệp cuối năm 2022, vấn đề “lõm” sóng di động giữa vịnh Hạ Long gây bất tiện cho du khách và các hoạt động du lịch một lần nữa được các doanh nghiệp nêu ra. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã yêu cầu phải xử lý ngay.

"Rừng" thủ tục

Ngay sau đó, Viettel Quảng Ninh phối hợp với Ban quản lý vịnh Hạ Long xây dựng Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hạ tầng trạm BTS trên vịnh Hạ Long.

Theo đó, để phục vụ công tác quản lý cũng như nhu cầu của du khách tham quan, Viettel Quảng Ninh sẽ đầu tư lắp đặt 6 trạm phát sóng BTS tại 6 khu vực trong vùng lõi vịnh Hạ Long. 6 vị trí này gồm: Khu vực làng chài Cửa Vạn, đảo Soi Sim, khu vực Cống Đỏ, khu vực hòn Đỉnh Hương, khu vực làng chài Vung Viêng, khu vực Bái Đông (hòn Mắt Rồng).

Theo thiết kế, các trạm này có hình dáng, quy mô các cột anten ngụy trang dạng cây cọ; không kéo cáp quang; điện và trạm phát sóng ở quy mô nhỏ và đặt tại chỗ để đảm bảo không ảnh hưởng xấu tới cảnh quan, môi trường sinh thái của di sản…

Ảnh phối cảnh trạm BTS với cột anten được ngụy trang dạng cây cọ ở khu vực làng chài Vung Viêng.

Việc đầu tư xây dựng trạm BTS trên Vịnh Hạ Long đảm bảo phủ sóng thông tin liên lạc, dịch vụ data Internet siêu băng thông trên toàn bộ các tuyến du dịch, các điểm tham quan, dừng chân, nghỉ đêm của du khách cũng như phục vụ đời sống của ngư dân. Viettel Quảng Ninh dự kiến đưa 6 trạm BTS này vào hoạt động từ tháng 3.2023.

Tuy nhiên, kể từ đó, đã có khá nhiều cuộc làm việc, tỉnh Quảng Ninh cũng có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục, nhưng vịnh Hạ Long vẫn “lõm” sóng điện thoại.

Nguyên nhân là do vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới nên mọi việc đầu tư tại đây phải theo quy định của Luật Di sản văn hóa, đồng thời tuân thủ theo quy trình, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25.12.2018 của Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các văn bản pháp luật liên quan khác...

Đặc biệt, bất kỳ hoạt động nào tác động vào các núi đá, rừng... giữa vùng lõi vịnh Hạ Long cũng phải tham khảo ý kiến của UNESCO bởi đây là Di sản thiên nhiên thế giới.

Chưa kể, hiện quy hoạch cũ của vịnh Hạ Long đã hết hạn, phải chờ quy hoạch mới thì mới có thể triển khai được các dự án trong ranh giới di sản, mà bản quy hoạch mới dự kiến phải 2 năm nữa mới xong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn