MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Dù khó khăn vì dịch nhưng sẽ luôn chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước"

LƯƠNG HẠNH LDO | 09/05/2021 17:58
Giữa ánh nắng đầu hè oi bức ngày 9.5, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động tự do thêm "hiếm khách". Tuy gặp khó khăn, nhưng họ bày tỏ luôn sẵn lòng gác lại công việc nếu cần để góp phần chống dịch COVID-19.

"Lòng yêu nước ở trong tim, ở hành động"

Gặp ông Đỗ Văn Bách (SN 1971) quê Thái Bình đang nằm dài trên chiếc xe ba gác vì không có khách gọi, ông lắc đầu khi nói đến tình trạng kinh tế hiện nay của ông. Được biết, ông đã làm nghề chạy xe ba gác được 6 năm. Hiện tại, ông thuê một căn phòng trọ có giá 1 triệu 500 ngàn đồng khu vực Nam Từ Liêm, Hà Nội để sinh sống. Trung bình một tháng, nguyên tiền trọ, tiền điện, nước đã mất khoảng gần 2 triệu đồng.

Dù khó khăn, ông Bách vẫn sẵn lòng gác lại công việc để góp phần chống dịch. Ảnh: Lương Hạnh.

Ở quê, vợ ông vẫn làm ruộng. Hai vợ chồng ông có 2 người con, một cháu đang học lớp 12. Trước kia khi chưa có dịch, một ngày ông nhận vận chuyển đồ đạc, hàng hóa cũng được 3 đến 4 chuyến, mỗi chuyến từ 150 đến 300 ngàn đồng tùy vào đường xa hay gần. Thu nhập một tháng của ông cũng được khoảng 8 - 9 triệu đồng. Từ khi dịch bệnh bùng phát, có ngày ông không có nổi một chuyến xe nào.

Khi hỏi về việc với các chủ trương phòng chống dịch COVID-19 của Nhà nước, ông Bách chia sẻ: "Lòng yêu nước ở trong tim, ở hành động. Cháu hỏi chú cảm nhận nhưng chú không biết diễn tả thế nào. Chỉ biết dù có khó khăn vì dịch nhưng mình sẽ luôn chấp hành tốt chủ trương của Nhà nước. Như vậy là yêu nước rồi. Khó khăn mấy rồi cũng qua thôi".

Thời điểm phóng viên ghi nhận đã là xế chiều, cả một ngày dài, ông Cao Đăng Tuyên (SN 1958) quê tại Thái Bình mới chỉ nhận được 37 ngàn đồng tiền công từ việc chạy xe ôm tự do. Ông Tuyên đã chạy xe ôm từ năm 2006 đến nay. Do ông sống một mình không có vợ con nên ông chỉ lo tiền trọ và tiền sinh hoạt ăn uống hàng ngày.

37 ngàn đồng là số tiền ông Cao Đăng Tuyên thu được trong ngày 9.5. Ảnh: Lương Hạnh.

"Chạy xe ôm cũng như đi câu ấy. Người dân ít ra đường thì đương nhiên lượng khách giảm đi. Cả ngày nay tôi được 1 chuyến đã là may lắm rồi. Ngày trước những người chạy xe ôm như tôi thường ngồi gần nhau đợi khách cho đỡ buồn, nhưng bây giờ dịch nên mỗi người tự ý thức ngồi cách xa nhau hơn", ông Tuyên bộc bạch.

Sẵn lòng gác công việc để góp phần chống dịch

Khá hơn ông Tuyên, ông Phạm Ngọc Hoàng (SN 1974) trú tại quận Nam Từ Liêm đã chạy xe ôm hơn 10 năm nay. Ông Hoàng không mất tiền nhà trọ nhưng cũng phải lo cho bố mẹ già đã ngoài 80 tuổi, không có lương hưu cũng không có khả năng lao động. Ông Hoàng không kết hôn mà sống một mình. Mọi thu nhập của ông chỉ để lo cho bố mẹ già ở nhà.

Tuy gặp vô vàn khó khăn do dịch COVID-19 nhưng những người lao động tự do đều đồng lòng ủng hộ các chính sách chống dịch của Nhà nước. Ảnh: Lương Hạnh.
Tuy khó khăn là vậy, nhưng ông Tuyên hay ông Hoàng cũng đều ủng hộ các chính sách giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc gần... của nhà nước. Ông Hoàng nói: "Quán trà đá tôi hay ngồi chờ khách cũng đóng cửa. Nếu chúng tôi nhận được yêu cầu phải ở nhà chờ qua dịch mới được tiếp tục đi làm như bây giờ chúng tôi cũng ủng hộ".
Khung cảnh vắng hoe ngay tại khu vực cổng chợ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh.

Những người lao động tự do vốn đã không có thu nhập ổn định, nay đây mai đó. Giữa cái nắng gay gắt đầu hạ, họ vẫn mong mỏi dịch COVID-19 qua nhanh để bản thân họ, gia đình và những người xung quanh yên ổn làm ăn. Kể cả phải thôi "nằm dài" ngoài đường chờ khách, chỉ ở nhà chờ dịch qua, họ cũng đồng lòng để phòng, chống dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn