MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh cũng khuyến khích người dân đầu tư phát triển theo hướng du lịch cộng đồng. Ảnh: N.A

Du lịch cộng đồng: Hướng đi bền vững cho ngành du lịch Kiên Giang

NGUYÊN ANH LDO | 07/07/2022 16:52
Kiên Giang - Du lịch cộng đồng góp phần to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Kiên Giang là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, địa hình đa dạng với nhiều danh lam, thắng cảnh, cùng với bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc. Việc khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng cũng dựa trên các đặc điểm, như: Cảnh quan sinh thái biển, đảo, rừng, văn hóa truyền thống khu vực nông thôn, biển đảo, sản phẩm nghỉ dưỡng biển đảo...

Tỉnh tập trung khai thác ở 4 cụm du lịch Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải, U Minh Thượng và vùng phụ cận đã hình thành các sản phẩm du lịch khá phong phú, mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp địa phương, từng bước khai thác có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch theo mục tiêu khác nhau.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, như: vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa hình thành sự liên kết, phối hợp giữa các hộ dân, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa chuyên nghiệp, lượng du khách có tăng nhưng không bền vững, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển...

UBND tỉnh vừa ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025 có 3 điểm du lịch cộng đồng và đến năm 2030 tăng lên 10 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đánh giá, phân hạng về mức độ hài lòng của du khách đạt mức trung bình trở lên.

Việc phê duyệt đề án nhằm xây dựng, định hướng và đề xuất các giải pháp, tạo căn cứ pháp lý để lập kế hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Tỉnh huy động mọi nguồn lực khai thác có hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch tại các địa bàn nông thôn, hải đảo. Thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án như chương trình nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng kinh phí của dự án trên 30 tỉ đồng, trong đó gồm ngân sách Nhà nước và nguồn vốn đối ứng xã hội hóa.

Tỉnh cũng đề ra các giải pháp về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, về tiềm năng, lợi thế du lịch cộng đồng của địa phương và vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong phát triển du lịch cộng đồng. 

Anh Lê Hoàng Nhân, người sáng tác tranh vỏ tràm ở vùng Miệt thứ huyện An Minh có tâm huyết với việc phát triển du lịch cộng đồng chia sẻ, bản thân anh cũng đang ấp ủ dự án làm du lịch cộng đồng, tận dụng tiềm năng thế mạnh rừng làm du lịch trải nghiệm kết hợp cùng người dân làm dịch vụ phục vụ du khách.

Anh Lê Hoàng Nhân tìm hiểu và tận dụng các lợi thế của rừng tràm để thiết kế các tour trải nghiệm cho du khách. Ảnh: N.A

Anh Nhân cho biết hiện tại anh dùng vỏ tràm làm tranh nghệ thuật đã tạo được tiếng vang trong nước, sản phẩm cũng có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới và anh hi vọng sẽ tận dụng lợi ích to lớn của rừng tràm để làm du lịch và tạo nguồn sinh kế ổn định cho bà con địa phương.

Chia sẻ về dự định của mình, anh Nhân cho hay: “Ở đây mỗi người dân góp một phần sức làm thành chuỗi liên kết, rồi mình dẫn đầu mình phân chia việc cho họ, thiết kế tour, cho du khách trải nghiệm và ở tại nhà dân. Đi rừng trải nghiệm, giới thiệu đặc sản địa phương, tham quan tranh vỏ tràm và học cách làm tranh... hiện tại tôi cũng đang thực hiện những tour nhỏ với số lượng nhỏ nhưng về lâu dài tôi sẽ mở rộng và làm bài bản, chuyên nghiệp hơn”.

UBND tỉnh cũng khuyến khích người dân đầu tư phát triển du lịch như làm homestay, vườn du lịch, sản xuất hàng lưu niệm... bằng các quy định cụ thể về hỗ trợ vốn và ưu đãi vốn vay để người dân đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Xây dựng quy chế hoạt động trong mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng cơ chế phối hợp và sẻ chia lợi ích giữa các bên liên quan như chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch, chuyên gia tư vấn... đảm bảo phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn