MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân phát biểu tại hộ nghị. Ảnh: Nhật Hồ

Du lịch ĐBSCL khách đông, doanh thu chưa tương xứng

NHẬT HỒ LDO | 10/12/2023 16:46

Cà Mau - Năm 2023, các tỉnh ĐBSCL đón trên 2,7 triệu lượt khách. Nhiều loại hình du lịch mới đã phát huy hiệu quả, nhưng doanh thu đối với ngành công nghiệp không khói này vẫn chưa thật sự tương xứng.

Nằm trong khuôn khổ Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023, ngày 10.12, UBND tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Điểm du lịch sinh thái Hoa Rừng, Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Trong năm 2023, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ trì tổ chức 07 chương trình khảo sát du lịch (Famtrip), kết nối các doanh nghiệp du lịch - lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác với các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau với khoảng 600 lượt doanh nghiệp du lịch - lữ hành tham gia kết nối.

Theo ghi nhận, trong năm 2023, lượng khách du lịch nội địa vẫn chiếm ưu thế tham gia vào chương trình du lịch liên kết Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long để trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ, với hơn 2,7 triệu lượt khách du lịch về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Một điểm du lịch sinh thái tại Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, thời gian qua, nhất là 2 năm sau đại dịch COVID-19, công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chi Minh và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sáng tạo, thúc đẩy du lịch vùng có nhiều chuyển biến, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch và tạo ra những giá trị khác biệt của thị trường du lịch nội địa và quốc tế.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác, tỉnh Cà Mau tập trung, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý quy hoạch và đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là quan tâm công tác quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, du lịch kết nối, với điểm nhấn là Chương trình “Cà Mau điểm đến năm 2023” với chuỗi hoạt động phong phú, hấp dẫn. Trong đó, điểm nhấn là Lễ hội cua Cà Mau năm 2022 đến Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023”.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành trao đổi, thảo luận bàn giải pháp thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển du lịch trong năm 2024. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch. Hướng tới mục tiêu thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn