MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đón khách quốc tế chưa đạt như kỳ vọng. Ảnh: Tùng Giang

Du lịch không đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế - vì sao?

TRÍ MINH LDO | 20/12/2022 06:30

Không đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, trong khi Việt Nam là quốc gia mở cửa trở lại sớm sau khi kiểm soát dịch COVID-19. Đâu là nguyên nhân của thực tế này? Đây là câu hỏi được các chuyên gia, tập đoàn, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không - du lịch đặt ra tại Hội nghị  do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức mới đây.     

Không tận dụng được cơ hội

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, trong khi Việt Nam mở cửa trở lại sau COVID-19 rất sớm nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ hàng không - du lịch chưa phục hồi như kỳ vọng. Lượng khách quốc tế thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực. 

Về tổng quan, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh hơn dự báo ở thị trường nội địa, gia tăng hơn 100 triệu lượt khách so với kế hoạch đề ra là 85 triệu khách nhưng du lịch quốc tế không đạt tốc độ phục hồi như dự kiến. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch. Trong khi đó, không có thị trường trọng điểm nào của Việt Nam phục hồi đạt mức 50% so với thời điểm trước COVID-19.

Theo ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Việt Nam đã rất kỳ vọng về sự bùng nổ lượng khách du lịch quốc tế sau COVID-19 khi Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch mở cửa trở lại đầu tiên trong khu vực. Song khách quốc tế đến Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) - ông Chris Farwell cho biết, dù Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực mở cửa trở lại nhưng đáng tiếc Việt Nam đã không tận dụng được lợi thế của người dẫn đầu.

Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỉ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỉ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam...

 PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần phải làm rõ vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi du lịch Châu Á sau COVID-19 và có giải pháp khắc phục sớm bởi du lịch là ngành kinh tế dẫn truyền tới những ngành kinh tế khác.

Theo ông Đinh Việt Phương, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet, xung đột Nga - Ukraina, chính sách zero COVID tại Trung Quốc khiến thị trường khách quốc tế của Việt Nam giảm mạnh. Nhưng câu hỏi đặt ra là cùng điều kiện như nhau thì các quốc gia khác lại có lượng khách tốt hơn.

Đề xuất “nới ” chính sách thị thực

Ông Lương Hoài Nam - đại diện doanh nghiệp du lịch - cho rằng, sở dĩ du lịch nội địa phục hồi rực rỡ là bởi du lịch nội địa không có rào cản, được đi lại tự do giữa các địa phương và không có sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia… Trong khi đó, du lịch quốc tế lại vướng visa. Theo ông Nam, chính sách visa của Việt Nam có sự khác biệt rất lớn về thời gian, thủ tục, đặc biệt là thủ tục cấp online và số quốc gia được miễn thị thực. Tại thời điểm mở cửa với khách quốc tế, Việt Nam vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian là 15 ngày. Chính sách này gần như không có sự thay đổi trong suốt 8 tháng qua. 

Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings - ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ: “Chúng ta phải gỡ về cơ chế chính sách, hệ thống dịch vụ và phục vụ, chính sách về lưu thông vận chuyển. Hàng không quốc tế chưa ổn. Các ngành cần ngồi đối thoại với doanh nghiệp du lịch".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn