MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số người chọn du lịch leo núi tăng mạnh những năm gần đây, nhất là vào dịp cuối năm. Ảnh: Tân Văn

Du lịch leo núi nở rộ và những vết gợn trong lòng du khách

Tân Văn LDO | 01/11/2023 14:40

Số người chọn du lịch leo núi tăng mạnh những năm gần đây, nhất là vào dịp cuối năm. Nhưng ở không ít điểm du lịch leo núi, do lượng người quá đông đổ về cùng thời điểm nên một số vấn đề đã xuất hiện.

Trở về Hà Nội sau hành trình chinh phục đỉnh núi Tà Chì Nhù - đỉnh núi cao nhất của tỉnh Yên Bái, anh Nguyễn Hoàng Thông (SN 1994) có chút mệt mỏi.

"Sau 2 ngày 1 đêm liên tục đi bộ trên những triền núi dốc ngược, bắp chân của tôi hơi đau nhẹ. Chuyến đi của đoàn khá thành công, mọi người săn được mây, chinh phục được đỉnh núi và ai cũng có niềm vui riêng cho mình" - anh Thông nói.

Rác thải xuất hiện nhiều trên những cung đường leo núi. Ảnh: Tân Văn

Qua lời kể của Nguyễn Hoàng Thông, dọc đường đi cả leo lên và đi xuống đỉnh núi, những hình ảnh không đẹp nhiều lần xuất hiện.

Do hành trình vào 2 ngày cuối tuần nên ước tính số người cùng leo núi lên đến cả nghìn người (hướng huyện Trạm Tấu và bản Nậm Nghiệp, tỉnh Sơn La).

Dọc đường đi có những chỗ dốc quá cao khiến một số người đi trước chậm lại, đường leo gần như tắc, cảm giác chôn chân ngay dốc cao chờ đợi để có đường đi không hề dễ chịu.

Nhiều người leo núi bẻ hoa chi pâu chỉ để chụp ảnh. Ảnh: Tân Văn

Tiếp đó, thời tiết mưa nên mọi người phải mặc áo mưa tránh bị ướt và gió lạnh. Mặc dù các porter (người dẫn đường) liên tục nhắc nhở gom gọn rác thải thế nhưng áo mưa, vỏ kẹo bánh, vỏ chai nước ngọt... vẫn được nhiều người thẳng tay ném ra triền núi.

Khi lên đến đỉnh núi, những triền hoa chi pâu bắt đầu xuất hiện, màu sắc sặc sỡ của loài hoa khiến nhiều người say đắm.

Với tâm lý, cả núi hoa nên hái một chút cũng không sao, nhiều bạn trẻ vô tư bẻ, vặt lượng lớn chi pâu để chụp ảnh và mang xuống núi.

Thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tăng cường các biện pháp để bảo vệ môi trường tốt hơn. Ảnh: Tân Văn

Với một người lần đầu tiên đặt chân đến Tà Chì Nhù, anh Hoàng Thông không khỏi ngạc nhiên khi thấy những cảnh này.

Anh chia sẻ, bản thân là một người rất thích leo núi, đã chinh phục nhiều cung đường ở các tỉnh Tây Bắc. Sẵn kỹ năng chụp ảnh phong cảnh, anh Hoàng Thông luôn có cho mình những bức hình chụp lại cây cối, hoa dại bên đường nhưng không vì thế mà ngắt hoa bẻ cảnh.

"Mỗi lần leo núi, tôi luôn mang theo đồ ăn ngọt để bổ sung đường mỗi khi đói, tất cả vỏ rác đều giữ trong balo để sau đó bỏ đúng nơi quy định. Đến Tà Chì Nhù lần này, tôi thấy một số người ẩu quá" - anh Hoàng Thông chia sẻ.

Bên cạnh những người leo núi đặt theo tour, rất nhiều người đi kiểu tự phát, tự kết nối với nhau và tự thuê porter.

Việc này tiết kiệm khá nhiều chi phí nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Mới đây, vào ngày 8.10, một người đàn ông hơn 60 tuổi có tiền sử huyết áp cao đã đột tử khi leo lên gần vị trí đỉnh núi Tà Chì Nhù.

Cảnh sắc thiên nhiên nơi các đỉnh núi cao sẽ giữ nguyên vẻ đẹp nếu các du khách cùng chung tay giữ gìn. Ảnh: Tân Văn

Theo chia sẻ của anh Sài (chủ 1 lán ngủ qua đêm ở vị trí 2.400m), trung bình mỗi tuần của tháng 10 và 11, lán của anh đón khoảng 300 khách. Cả khu vực 2.400m này có tổng cả 4 lán luôn trong tình trạng kín chỗ với vài nghìn du khách mỗi tuần.

Sáng 1.11, trao đổi với PV, ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu - cho hay: "Tình trạng rác thải và bẻ hoa chi pâu là có, ngay bản thân tôi cũng đã lên đỉnh núi này và nhìn thấy những điều này".

Theo ông Chua, thời gian tới, để giữ hình ảnh đẹp trong lòng du khách, địa phương sẽ vận động các chủ lán đặt thêm các thùng rác dọc đường đi, thuận tiện cho du khách.

"Về phần các porter dẫn các đoàn khách tự do, sẽ được tập huấn kỹ năng để tuyên truyền tốt đến du khách ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường. Đồng thời phải kiểm tra để biết xem du khách đủ điều kiện thể lực tham gia leo núi hay không" - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn