MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành du lịch, khách sạn trong nước vẫn chưa thể giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng sau dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: DL

Du lịch sôi động, khách sạn vẫn thiếu hụt nhân lực

MINH HOÀ LDO | 13/08/2022 07:08

Ngành du lịch, khách sạn trong nước vẫn chưa thể giải bài toán “đau đầu” do thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng sau dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, tình trạng thiếu nhân sự đang tăng cao ở thời điểm cuối tuần, dịp nghỉ lễ, kỳ nghỉ hè ở các điểm du lịch mặc dù không khí vẫn đang diễn ra rất sôi động. 

Lỗ hổng nhân sự

Bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc kinh doanh Công ty Viettours đã chia sẻ những khó khăn của DN, theo đó mặc dù ngành du lịch vẫn từng bước hồi phục nhưng cơ sở hạ tầng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải và thiếu hụt nhân lực ở nhiều vị trí.

Cụ thể, Viettours từng đón một đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị) gồm 600 người tới TP.Hồ Chí Minh nhưng phía khách sạn 5 sao quốc tế ở đây đã thông báo phải tới 23h cùng ngày mới có phòng cho du khách.

Lý do không phải hết phòng mà là không có đủ nhân viên dọn phòng, phục vụ. Nhiều điểm đến khác khi công ty liên lạc cũng đều thông báo đã hết phòng, khiến DN lữ hành không dám nhận thêm khách.

Đại diện phía Công ty Saigontourist cũng cho hay: “Nguồn nhân lực ngành du lịch sau dịch bệnh COVID-19 gần như đã đứt gãy hoàn toàn. Saigon tourist mong muốn trong thời gian gần nhất sẽ có các chính sách hỗ trợ, chương trình, cơ sở đào tạo về du lịch để có thể đẩy nhanh các khóa học đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu cấp bách trước mắt hiện nay và lâu dài, mở rộng với sự hỗ trợ của các cơ quan, đối tác quốc tế.

Đa số những DN du lịch hiện tại đều mong sẽ sớm khai thông dòng chảy khách du lịch quốc tế, mở cửa song phương một số thị trường khách lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhất là trong mùa du lịch thấp điểm”. 

Theo đó, 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm đều đang phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế. Tuy nhiên trong 6 tháng vừa qua, Việt Nam mới chỉ đón được hơn 600.000 lượt khách quốc tế. Cùng với đó, các trung tâm hội nghị cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường khách MICE, khách cao cấp tại TP.Hồ Chí Minh. 

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn 

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch mới đây cho biết, Bộ này sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc mà DN đã phản ánh, nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra. 

Ông nhận xét, hiện tại du lịch nội địa có xu hướng đi theo phong trào và có sự dễ dãi khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Dịch vụ kiểu này có thể khai thác khách ở thời điểm hiện tại nhưng về định hướng lâu dài thì các DN cần suy nghĩ thấu đáo, làm ăn bài bản.

Theo TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, thói quen sinh hoạt cũng như nhu cầu du lịch của người dân. 

Để phục hồi mạnh mẽ và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thì các bộ, ngành liên quan cần phải thực hiện một số giải pháp, xây dựng chiến lược hoạch định nguồn nhân lực rõ ràng trên cơ sở rà soát và nâng cao tình trạng nguồn nhân lực du lịch.

DN du lịch cần chú trọng hơn nữa đến đào tạo nâng cao năng lực và khả năng thích nghi của nguồn nhân lực với các biến động cũng như môi trường làm việc mới của ngành.

TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần mở đường bay thẳng quốc tế tới các điểm đến an toàn, các quốc gia đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn