MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân háo hức về quê đón Tết sau nhiều năm xa nhà. Ảnh: Linh Tú

Dù ở đâu, người Việt đều hướng về Tết cổ truyền

PHÙNG LINH LDO | 19/01/2023 09:49

Nhiều người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài háo hức về quê sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh hoặc nhiều lý do khác. Còn những người ở lại, họ cũng tự tìm cho mình những niềm vui riêng để vơi đi nỗi nhớ nhà trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Xúc động gặp tình thân

Những ngày này, ga đến quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), Nội Bài (Hà Nội) đông người chờ đón người thân, bạn bè ở nước ngoài về Việt Nam đón Tết Quý Mão 2023.

Hình ảnh những cái ôm siết chặt, những cái khoác vai, những nụ cười hạnh phúc và có cả những giọt nước mắt trùng phùng sau bao ngày xa cách đã làm cho không khí sân bay dịp cuối năm thêm xúc động.

Chị Tuyết Mai (39 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) lấy chồng Malaysia và định cư tại đây từ năm 2015. Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ phép này, chị Mai đã tất bật thu xếp công việc kinh doanh của mình, chuẩn bị quà cáp để cùng chồng và con gái trở về quê thăm ông bà ngoại.

“Suốt 3 năm dịch, bố tôi gặp bạo bệnh, ông nội mất nhưng tôi không thể về ở bên cạnh người thân. Hồi chưa lập gia đình đâu nghĩ lấy chồng xa là sẽ khổ thế này, nơi đất khách quê người xa xứ, cứ đến Tết là tủi thân lắm” - chị Mai bộc bạch.

Cơn bạo bệnh làm sức khỏe bố chị yếu đi nhiều. 3 năm vừa qua, chị Mai tiếc nuối vì không được ở cạnh chăm sóc bố mẹ.

"Đợt nghỉ Tết dài này là cơ hội quý báu để tôi có thể gần gũi, quan tâm gia đình nhiều hơn. Đây cũng là dịp để các con nhỏ hiểu rõ về văn hóa Tết Việt cùng nguồn cội của mình" - chị Mai nói.

Anh Lê Hồng Châu. Ảnh: NVCC

Anh Lê Hồng Châu (25 tuổi, làm việc tại Osaka, Nhật Bản) trở về Việt Nam sau 5 năm học tập và làm việc xúc động với những bó hoa, cái ôm chặt của người thân khi gặp lại ở sân bay Nội Bài.

“Từ lúc đến sân bay check-in, tôi luôn mong về thật nhanh để gặp gia đình. Bay từ Nhật Bản về Hà Nội mất khoảng 6 tiếng, về đến nơi 2 mẹ con gặp nhau khóc nức nở vì vui sướng" - anh Châu nói.

Anh Châu chia sẻ, đã dành 1 tháng chuẩn bị đồ đạc, mua quà cho mọi người và xin nghỉ phép 20 ngày để về Việt Nam đón Tết Nguyên đán rồi mới trở lại Nhật Bản làm việc. Từ lúc có lịch về Việt Nam, lúc nào anh cũng bồi hồi, nôn nao.

"Tôi về, mẹ vui lắm. Được ôm mẹ mới thấy bao nhiêu cuộc gọi video call hay trò chuyện đều không đủ.

Mẹ nói không gặp 5 năm, ban đầu thì rất nhớ nhưng dần dần cũng nguôi ngoai. Bây giờ tôi về mẹ vui lắm, nhưng tôi đi mẹ sẽ phải nhớ lại từ đầu" - anh Châu chia sẻ.

Tết với những người ở lại

Xuân về, được về với gia đình là hạnh phúc. Nhưng với nhiều lao động tại nước ngoài, không phải ai cũng có cơ hội được về Việt Nam đón chào năm mới bên gia đình.

"Gọi điện về quê những ngày này, nhìn mọi người quây quầy ấm áp trong bữa cơm Tất niên, bên này anh em nào cũng thấy buồn và nhớ quê lắm. Cũng may là Tết nào cũng có bạn bè người Việt, mình được an ủi phần nào" - anh Phùng Hướng (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ.

4 năm sống và làm việc tại Nhật Bản, dù xa quê nhưng anh Hướng cùng cộng đồng người Việt tại đây vẫn cố gắng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong dịp Tết cổ truyền đặc biệt này.

Anh Phùng Hướng (ngoài cùng bên phải) đã 4 năm chưa có dịp về quê đón Tết. Ảnh: NVCC

“Khó tìm nguyên liệu để làm bánh tét nhưng mấy năm tết xa quê này, năm nào mình cùng các anh chị em bên này cũng tập trung làm lễ Tất niên nho nhỏ, làm mâm ngũ quả, làm những món ăn Việt Nam để phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà" - anh Hướng nói.

Cành đào, cành mai, mâm ngũ quả... phải từng xa quê mới thấu hiểu được nỗi nhớ quê hương, yêu Tết Việt da diết của cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Không khí của tiết trời se se lạnh, dòng người náo nức đổ về quê chuẩn bị chào đón năm mới vẫn luôn là nỗi niềm đau đáu trong lòng những người con viễn xứ. Dù ở đâu, người Việt đều hướng về Tết cổ truyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn