MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Đưa cha mẹ đến viện dưỡng lão là báo hiếu văn minh"

Linh Trang LDO | 27/08/2018 16:00
"Chính tôi đồng ý với quyết định đưa cha mẹ đến trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hay người ta vẫn gọi là viện dưỡng lão của hai con. Tôi chưa bao giờ trách con tôi bất hiếu mà tôi nghĩ đây là cách báo hiếu văn minh", cụ bà Vương Thị Minh Huấn (78 tuổi, nguyên giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội) chia sẻ.

Viện dưỡng lão - nơi an yên, hưởng vui tuổi già

Ngày cuối tuần tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Hà Nội, không khí  tấp nập hơn thấy rõ so với ngày thường. Nhiều gia đình di chuyển rất sớm từ nội thành và các tỉnh lân cận về đây thăm cha mẹ.

Cụ bà Vương Thị Minh Huấn phấn khởi đón con gái. Cụ bảo: "Trước đây tuần nào con gái cũng vào ngủ với vợ chồng tôi 3-4 buổi/tuần vì sợ bố mẹ buồn. Nhưng thấy con vất vả quá nên giờ chỉ gọi con cháu đến ngày cuối tuần."

 Gia đình cụ bà Huấn.

Chị Bùi Thị Minh Hiền, con gái cụ Huấn chia sẻ: "Lúc đầu, tôi xin mẹ đưa bố vào đây an dưỡng vì bố tôi yếu, lẫn và không tự chăm sóc được bản thân nữa. Nhưng khi mẹ đến đây, thấy điều kiện sống tốt, hệ thống nhân viên chăm sóc điều dưỡng có chuyên môn nên mẹ muốn ở lại nội trú cùng bố luôn. Khi mới xa bố mẹ, tôi lo lắm nhưng thấy đến nay, sức khỏe bố tiến triển hơn hẳn, mẹ vui vẻ nên rất an tâm."

Tương tự vợ chồng cụ Huấn, cụ ông Đặng Văn Hiệp (91 tuổi, nguyên đại tá công an) tâm sự: "Trước đây ở nhà, con cái đi làm nên tôi và bà ấy cứ quanh quẩn 4 bức tường. Vào đây, bà nhà tôi được chăm sóc sức khỏe tận tình. Tôi thì được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui lắm, khỏe hẳn ra.

Cụ ông Đặng Văn Hiệp. 

Ai cứ bảo vào viện dưỡng lão thì xa con xa cháu, khổ sở này kia chứ tôi thấy, vào những nơi có điều kiện thật sự tốt như thế này thì chúng tôi sẽ hạnh phúc hưởng tuổi già."

Lo lắng vì con cái bị người ngoài trách bất hiếu

Khi mới đưa cha mẹ đến viện dưỡng lão, chị Bùi Minh Hiền không dám chia sẻ với người ngoài. "Bố mẹ đồng tình đó mà tôi vẫn đắn đo mãi. Tôi còn xin mẹ hay là mẹ đừng ở nội trú, khi nào sức khỏe yếu hãy đến đây nghỉ dưỡng, điều trị. Tôi sợ người ngoài trách là chối bỏ trách nhiệm với cha mẹ".

Nghe con gái nói vậy, bà Huấn lắc đầu: "Nếu nói con tôi bất hiếu là quá tội chúng nó. Ông nhà tôi bị teo não, không tự chăm sóc được bản thân. Hồi trước con cái rồi người giúp việc đều không chăm được vì ông khó tính quá. Tôi vì đó cũng lo lắng mà xuống sức.

Nay có các cháu điều dưỡng, sức khỏe cả ông nhà và tôi tiến triển rõ rệt, vui vẻ lắm. Con cái bỏ không ít chi phí để bố mẹ có điều kiện như hiện tại, chúng lại thường xuyên ra vào chăm sóc, gọi điện hỏi thăm. Như vậy sao gọi là bất hiếu?

Khi còn làm giảng viên đại học, tôi cũng đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nền văn hóa nên từ lâu tôi đã xem đây là cách báo hiếu văn minh. Xã hội phải thay đổi lối mòn suy nghĩ này."

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân - Giám đốc một trung tâm điều dưỡng, chăm sóc người cao tuổi tại Hà Nội cho biết: "Rất nhiều gia đình đưa cha mẹ đến đây nhờ tôi giữ bí mật. Mãi sau này thấy cha mẹ khỏe lên, vui vẻ họ mới yên tâm.

Nhưng tôi vẫn muốn nhấn mạnh con cái phải tìm hiểu kĩ càng để chọn trung tâm, viện dưỡng lão uy tín, chất lượng, có giấy phép hoạt động đúng pháp luật để "báo hiếu đúng cách".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn