MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà đầu tư nhiều nơi đổ về mua dự án nhà ở xã hội kiểu

Đua nhau "ôm hàng" nhà ở xã hội tại Bắc Giang đợi bán chênh, kiếm lời

Trần Tuấn - Hữu Chánh LDO | 04/03/2022 09:12

Dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang mới khởi công xây dựng, trong khi công nhân, người thu nhập thấp chưa nắm được nhiều thông tin thì nhà đầu tư tứ xứ đổ về "ôm hàng", đợi bán lại cho công nhân để kiếm lời.

This browser does not support the video element.

Dấu hiệu huy động vốn trái phép tại dự án Nhà ở xã hội lớn bậc nhất tại tỉnh Bắc Giang. Video: Trần Tuấn - Hữu Chánh.

Đua nhau mua nhà ở xã hội để kiếm lời

Evergreen Bắc Giang là một trong những dự án nhà ở xã hội lớn nhất tại tỉnh Bắc Giang, có tổng mức đầu tư là 2.300 tỉ đồng. Dự án do Công ty CP Đầu tư phát triển bền vững Evergreen Bắc Giang, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) làm chủ đầu tư.

Dự án này có quy mô 10 toà nhà, mỗi toà 20 tầng, dự kiến bàn giao vào quý 2.2023, được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán nhà ở dành cho công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN tỉnh Bắc Giang.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, công nhân, người lao động không thể mua nhà trực tiếp qua chủ đầu tư mà phải thông qua 5 sàn giao dịch bất động sản là đơn vị phân phối.

Nhân viên sàn giao dịch bất động sản TK Land cho biết, dù hiện chưa có giá bán chính thức của Sở Xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã nhận tiền đặt cọc, giữ chỗ từ các nhà đầu tư cấp 1.

Với các căn 2 ngủ, chủ đầu tư nhận đặt cọc số tiền 50 triệu đồng, ngoài ra còn thu tiền chênh ngoài hợp đồng. Theo nhân viên này, khi làm hợp đồng với các sàn, chủ đầu tư sẽ thu tiền chênh 300 nghìn đồng/m2. Các sàn thì sẽ thu thêm 500 - 600 nghìn đồng/m2 từ nhà đầu tư, như vậy tổng tiền chênh so với hợp đồng mua bán là gần 1 triệu đồng/m2. Một căn nhà 70m2, dự kiến tiền chênh ngoài hợp đồng thu từ nhà đầu tư cấp 1 là gần 70 triệu đồng.

 Nhà đầu tư nhiều nơi đổ về mua nhà ở xã hội tại dự án Evergreen Bắc Giang đợi bán chênh, kiếm lời. Ảnh: PV.

"Vì đây là nhà ở xã hội, giá đưa ra không thể cao quá quy định được, thì chủ đầu tư mới đưa ra mức chênh ngoài để khi vào hợp đồng không vi phạm pháp luật", nhân viên sàn giao dịch bất động sản TK Land giải thích.

Nhân viên sàn bất động sản Tâm Thành Land cho hay, dự án có 10 toà nhà nhưng mới mở bán trước 5 toà. Trong đó, 2 toà G4, G5 đã được thoả thuận cho một đơn vị thuê, 3 toà còn lại thì khách đầu tư đã mua gần hết 2 toà (G1, G2). Hiện, chỉ còn lại toà G3, nếu không đặt cọc giữ chỗ sớm, với tốc độ đầu tư như hiện tại, thời gian ngắn nữa không còn căn nào mà mua.

"Có nhà đầu tư từ Hà Nội còn "ôm" nguyên 1 tầng (22 căn hộ) để đấy đợi bán chênh. Khách hàng bây giờ là khách hàng đầu tư, hiện chưa hướng đến khách hàng mua ở. Khi mà nổi lên thì công nhân ở đây mới biết đến nhiều, nhà đầu tư lúc đó sẽ bán lại cho công nhân", nhân viên sàn Tâm Thành Land nói và cho biết với khách hàng đầu tư thì không cần xét có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hay không.

Khi chúng tôi thắc mắc, nếu không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội thì không thể đứng tên trên sổ hồng căn hộ, nhân viên sàn TK Land nói: "Chủ đầu tư này là chỗ ông Đặng Thành Tâm, Tập đoàn Sài Gòn - Kinh Bắc. Họ thân quen với chính quyền. Để họ bán 10 toà chung cư thì họ cũng sẽ có cách "lách" cho nhà đầu tư, em nghĩ dễ thôi..., chắc chắn phải có rồi".

Dấu hiệu huy động vốn trái luật

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phân tích, chủ đầu tư nhà ở xã hội được rất nhiều ưu đãi như không phải đóng tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác liên quan, được phép dành 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội để kinh doanh làm nhà ở thương mại. Mức giá bán mà Sở Xây dựng thẩm định cho các dự án nhà ở xã hội cũng đã được tính toán trên dữ liệu đầu vào cộng với lợi nhuận cho phép là 10%...

Về việc chủ đầu tư nhà ở xã hội huy động vốn đối với các nhà đầu tư thứ cấp, không thuộc đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở nhà xã hội (thông qua các văn bản thoả thuận, góp vốn) ông Lê Hoàng Châu cho rằng, không đúng quy định của pháp luật.

“Luật quy định chỉ các đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội thì mới được góp vốn mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai. Đồng thời, chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi đã xây xong phần móng và đã được Sở Xây dựng xác nhận người mua thuộc đúng đối tượng được hưởng chính sách mua nhà ở xã hội”, ông Châu khẳng định.

1 nhà đầu tư đặt cọc, "ôm" 5 căn nhà ở xã hội tại dự án Evergreen Bắc Giang. Ảnh: PV.

Đồng quan điểm, Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ cấp, không đúng đối tượng mua nhà ở xã hội thì sẽ đẩy giá bán lên cao.

“Sau này, công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp chỉ có thể mua lại nhà ở xã hội từ các nhà đầu tư này thì chắc chắn giá sẽ chênh lên cao hơn so với giá đã được phê duyệt. Phần tiền chênh đó cũng được đưa ra ngoài hợp đồng mua bán để hợp thức hoá vi phạm về Chính sách Nhà ở xã hội”, luật sư Thái nói và cho biết, việc chủ đầu tư thu tiền chênh ngoài hợp đồng mua bán có dấu hiệu của việc trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang vào cuộc xử lý

Liên quan đến dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị xác minh, làm rõ vấn đề Báo Lao Động đã nêu, xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Báo cáo kiểm tra thông tin và hướng xử lý vi phạm gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 25.3.2022.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn