MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường dự án nha ga T3 sân bay Tân Sơn nhất. Ảnh: Minh Quân

Đua tiến độ xây nhà ga 20 triệu khách giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

MINH QUÂN LDO | 20/01/2024 11:39

TPHCM - 1.400 kỹ sư, công nhân cùng cùng 16 cẩu tháp, 350 đầu xe, phương tiện thi công ngày đêm trên công trường nha ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất để đảm bảo đưa đưa dự án khai thác vào tháng 6.2025.

Vượt khó thi công

Những ngày cuối năm, bên trong công trường xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, tiếng búa, khoan, tiếng chạy cẩu rầm rập. Hơn 16ha mặt bằng được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để xây dựng công nhà ga 20 triệu hành khách mỗi năm đã phủ kín sắt, thép.

Trong đó, phần kết cấu nhà ga quy mô 1 tầng hầm, 4 tầng nổi kéo dài nối sang khu vực nhà xe và dịch vụ trung tâm phi hàng không đã dần thành hình.

Nhà ga T3 hoàn thành 50% phần thô. Ảnh: Minh Quân

Theo ông Lê Khắc Hồng - Trưởng Ban Quản lý dự án xây dựng Nhà ga T3 cho biết, đến nay, khối lượng chung của các gói thầu xây dựng nhà ga, nhà giữ xe cao tầng, đường dẫn cao tầng lên nhà ga đã đạt khoảng 50% phần thô.

“Dự kiến đến ngày 15.5 sẽ hoàn thành toàn bộ phần thô của nhà ga, ngày 10.8 dự kiến thi công xong vòm mái nhà ga để tránh mùa mưa và có thể thi công các hạng mục bên trong. Nếu kiểm soát tốt tiến độ như hiện nay thì dự án sẽ về đích như tiến độ đã đề ra” - ông Hồng nói.

Mặc dù đã bàn giao toàn bộ mặt bằng nhưng phía Ban Quản lý dự án cho biết, quá trình thi công dự án gặp rất nhiều khó khăn do mặt bằng công trường chật hẹp.

Toàn bộ công trình, hạng mục thi công nằm gói gọn trong khu đất 16,5ha, do mặt bằng thi công chật hẹp, thiếu đường công vụ, nhiều lúc phải thi công xong hạng mục này thì mới làm được hạng mục khác nên không thể làm đồng loạt.

Ngoài ra, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa cũng thi công ngay bên cạnh nên nhiều thời điểm không có lối ra cho xe chở vật liệu xây dựng.

Một khó khăn nữa là xe chở vật liệu xây dựng chỉ được hoạt động vào ban đêm nên cũng làm chậm quá trình thi công.

Trên công trường nhà thầu huy động 1.400 nhân lực để thi công dự án. Ảnh: Minh Quân

Để khắc phục các bất cập, ông Lê Khắc Hồng cho biết, Ban Quản lý dự án và nhà thầu đã phối hợp với các nhà thầu thi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa để phối hợp thi công hợp lý tránh ảnh hưởng đến việc thi công của hai bên.

Đối với xe chở vật liệu, Ban Quản lý đã kiến nghị UBND TPHCM cho phép xe chở vật liệu được hoạt động cả ban ngày và được chấp thuận.

Hàng ngàn công nhân phải thi công liên tục 2 ca từ 6h đến 22h để “chạy đua” tiến độ. Ảnh: Minh Quân

Về các giải pháp đảm bảo tiến độ, Ban Quản lý dự án xây dựng nhà ga T3 cùng nhà thầu kiểm soát tiến độ chặt chẽ, các gói thầu cập nhật tiến độ 15 ngày/lần, gói thầu nào chậm tiến độ thì nhà thầu phải có giải pháp bù tiến độ ngay. Nếu không bù được sẽ huy động nhà thầu khác vào làm ngay để giải quyết dứt điểm tiến độ.

"Để đảm bảo kế hoạch, 5 nhà thầu của dự án hiện huy động khoảng 1.400 công nhân, kỹ sư, 16 cẩu tháp cùng 350 đầu xe, phương tiện trên công trường" - ông Hồng nói.

Ngoài ra, chủ đầu tư cùng nhà thầu và ngân hàng thực hiện ký cam kết giữa 3 bên để đảm bảo vốn giải ngân cho dự án.

Những thứ mới lạ ở nhà ga T3

Theo Lê Khắc Hồng, với công suất 20 triệu hành khách mỗi năm, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là ga quốc nội lớn nhất nước.

Chưa hết, nhà ga T3 không chỉ có hình dáng tà áo dài, mà còn mang một thiết kế mới so với các nhà ga và lần đầu được xây dựng ở Việt Nam.

Với công suất 20 triệu khách/năm, ga T3 giúp nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm. Ảnh: ACV

Ông Hồng cho biết, nhà ga T3 được quy hoạch trên khu đất hơn 16ha có diện tích hình học không vuông vắn và chật hẹp. Từ khó khăn này, Ban Quản lý dự án cùng các đơn vị thầu, tư vấn, thiết kế đã tiếp cận theo hướng "thành phố hàng không" trong thiết kế công trình.

"Nhà ga có công trình kết hợp giữa dịch vụ trong và ngoài nhà ga - là tổ hợp nhà xe cao tầng và trung tâm dịch vụ phi hàng không. Nếu đưa hết dịch vụ vào trong nhà ga như các nhà ga hiện tại sẽ không đảm bảo tối đa hóa khai thác thương mại.

Thiết kế của công trình này mang những thứ phi hàng không ra bên ngoài để người dân trải nghiệm, tăng sự tiếp xúc giữa hành khách với dịch vụ, tiện ích, đồng thời dành thêm không gian cho người đưa tiễn hành khách. Ý tưởng này ở nước ngoài đã rất phổ biến, nhưng hiện tại chúng ta mới làm" - ông Hồng lý giải.

Hạng mục nhà xe cao tầng kết hợp trung tâm dịch vụ phi hàng không là tổ hợp gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi và khối nhà để xe máy 3 tầng nổi, được kết nối với nhau bằng hành lang cầu, tổng diện tích sàn xây dựng là 130.000m2. Ảnh: ACV

Một điều đặc biệt nữa là nhà ga T3 sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất chưa từng có tại bất kì nhà ga hành khách nào tại Việt Nam.

Đơn cử, toàn bộ hệ thống làm thủ tục sẽ sử dụng công nghệ AI. Bên cạnh khoảng 115 quầy làm thủ tục truyền thống, ACV sẽ triển khai tại T3 thêm 42 kiosk check-in loại có thể thực hiện check-in cho tất cả các hãng hàng không, không phải phân loại từng hãng như hiện nay.

Thiết kế bên trong nha ga T3. Ảnh: ACV

Ngoài ra còn có 20 quầy check-in được áp dụng công nghệ "bag drop" cho phép hành khách tự cân, ký gửi hành lý mà không cần tới quầy có nhân viên hàng không. Nhà ga T3 cũng sẽ có hệ thống tự động phân loại hành lý, tiết giảm rất nhiều thời gian làm thủ tục cho hành khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn