MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Cần Thơ khánh thành năm 2010 đánh dấu chấm dứt cảnh "qua sông lụy phà" của vùng ĐBSCL trên trục huyết mạch từ TPHCM đến Cà Mau. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

“Đũa vàng” mối mạch Cửu Long Giang

TS Trần Hữu Hiệp LDO | 26/05/2022 11:00
Một trong những ấn tượng đổi thay trên đất Chín Rồng gần nửa thế kỷ qua là hình ảnh những chiếc cầu lớn sừng sững vượt sông như những “chiếc đũa vàng” nối mạch Cửu Long giang.

Nối những cung đường rộng mở

Giao thông là mạch máu, điều kiện vật chất, là yếu tố tạo ra không gian thông suốt để thực thi liên kết vùng và cũng chính là huyệt đạo của miền Tây. Phát triển hạ tầng giao thông là mệnh lệnh phát triển vùng. Giao thông đồng bằng đang khởi sắc là mảng sáng đáng ghi nhận trong bức tranh phát triển vùng ĐBSCL từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không, các trục dọc huyết mạch, đường ngang, đường vành đai ven biển phía Đông và phía Tây, các trục mới Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến N1, N2, các đoạn tuyến cao tốc đã, đang và sẽ tiếp tục được đầu tư mới, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của vùng.

Sau cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nối dài đoạn cao tốc độc đạo của miền Tây là TPHCM - Trung Lương đến bờ bắc sông Tiền, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, trong năm 2023 sẽ khánh thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km, tổng mức đầu tư 4.800 tỉ đồng và cầu Mỹ Thuận 2, tổng vốn 5.000 tỉ đồng. Phấn đấu cuối năm nay, khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191km, tổng mức đầu tư trên 52.000 tỉ đồng và đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỉ đồng, hoàn thành vào năm 2025. Đầu tư đoạn An Hữu - Cao Lãnh dài 27km, tổng vốn khoảng 6.000 tỉ đồng; đoạn Mỹ An - Cao Lãnh 27km, 4.700 tỉ đồng. Nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29km, tổng mức đầu tư 950 tỉ đồng, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km, khoảng 750 tỉ đồng.

Đặc biệt, một trong những ấn tượng đổi thay trên đất Chín Rồng gần nửa thế kỷ qua là hình ảnh những chiếc cầu lớn sừng sững vượt sông như những “chiếc đũa vàng” nối mạch Cửu Long giang. Những cầu lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Hàm Luông, Đầm Cùng, Năm Căn… như những chiếc đũa vàng nối đôi bờ sông xanh. Và sắp tới, còn nhiều “chiếc đũa vàng” khác đang được khẩn trương nối nhịp để kịp hoàn thành theo tiến độ như cầu Rạch Miễu 2, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Châu Đốc, cầu Đình Khao. Đó là những mảng sáng đáng ghi nhận trong bức tranh giao thông Đất Chín Rồng.

Cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên của ĐBSCL trên Quốc lộ 1 bắc qua sông Tiền mở đầu cho kết nối giao thông vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể giao thông vùng này vẫn cần được tiếp tục quan tâm đặc biệt. Các nút thắt lớn là thiếu vốn, thi công chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ theo kiểu “ngắt khúc”, thiếu kết nối khiến mạch máu giao thông vận tải của vùng chưa thông suốt. Tình trạng đường chờ cầu nâng tải trọng, cảng chờ luồng thôi ách tắc, đường thủy vướng tĩnh không cầu vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi.

Vẫn đang tồn tại những “cổ chai” trên tuyến huyết mạch giao thông đường bộ như Quốc Lộ 1 đoạn TPHCM - Cần Thơ, nút thắt trên tuyến phía Đông khi cầu Rạch Miễu thường xảy ra tắc nghẽn. Các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau vẫn còn những vùng nguyên liệu nông sản trong tình trạng “khuất nẻo”.

Kỳ vọng mới

Phát biểu tại lễ khánh thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trong 5 năm tới, Trung ương sẽ đầu tư hơn 100 ngàn tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL. Hàng loạt công trình cầu, đường đang thi công, chuẩn bị khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28.02.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Phấn khởi trong hiện tại, kỳ vọng ở tương lai, nhưng phải tránh chuyện không vui cũ lặp lại. Nhìn lại công trình cao tốc miền Tây vừa qua gặp nhiều trắc trở. Chỉ 1 đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hơn 50km, nhưng phải trải qua 13 năm, xuyên 3 nhiệm kỳ, chuyển đổi 2 cơ quan chủ quản, 3 đời chủ đầu tư, 2 lần khởi công, nhiều lần tạm ngưng, nhiều lần khởi động lại, nay mới về đích.

Phát triển giao thông ĐBSCL cần được tiếp tục giải bài toán vốn ít - nhu cầu đầu tư lớn, khắc phục tình trạng tiến độ thi công chậm, kết nối phải hiệu quả. Nếu không có giải pháp pháp đồng bộ, thì dù có xây dựng nhiều cầu mới, đường mới, thì các nút thắt giao thông ở đồng bằng hiện nay vẫn có thể từ điểm này sang điểm khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Kỳ vọng về một diện mạo mới cho giao thông miền Tây, nhưng cần nhận diện và vượt qua các thách thức, vừa giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn vừa có cách tiếp cận mới. Việc phát triển giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, kết nối với các công trình đầu tư phát triển khác của vùng và các địa phương. Cần xác định quan điểm phát triển rõ ràng, tư duy hệ thống, đảm bảo yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương. Cần sắp xếp không gian và nguồn lực đầu tư phù hợp với yêu cầu phối hợp đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Người dân kỳ vọng các cơ quan Trung ương và các địa phương có công trình đi qua cần tập trung cao cho giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, tăng cường phối hợp triển khai. Tập trung hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, đường gom để phát huy tối đa hiệu quả. Cần xây dựng bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành khai thác chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong vận hành, khai thác công trình để những “chiếc đũa vàng” trên đất Chín Rồng thật sự nối bờ vui; để giấc mơ “thoát vùng trũng” hạ tầng giao thông của 18 triệu dân đồng bằng thành hiện thực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn