MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc kết hợp các dự án điện gió ngoài khơi vào sản xuất hydrogen xanh giúp giảm bớt gánh nặng đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải trong nước. Ảnh: EVN

Đưa Việt Nam thành trung tâm nghiên cứu trong chuyển đổi xanh

Đức Mạnh LDO | 14/11/2023 06:07

Hydrogen xanh đã và đang nổi lên như một giải pháp trong tiến trình theo đuổi một tương lai xanh. Tuy nhiên, để sản xuất được nguồn năng lượng này cần đầu vào cũng phải xanh, trong đó điện gió ngoài khơi có tiềm năng không hạn chế.

Cơ hội cho các startup trong sản xuất hydrogen xanh

Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển hướng sang nguồn năng lượng sạch, hydro đang nổi lên như một giải pháp thay thế cho nguyên liệu hóa thạch.

Theo McKinsey, nền kinh tế hydro có thể hỗ trợ doanh thu toàn cầu hơn 2,5 nghìn tỉ USD mỗi năm vào năm 2050, tạo việc làm cho hơn 30 triệu người và sẽ giúp tránh được 6 tỉ tấn khí thải CO2.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán thị trường hydro có thể đạt trị giá hơn 1.400 tỉ USD mỗi năm vào năm 2050. Trong đó, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ nắm giữ hơn 65% thị trường này. Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi xanh đó. Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Chính phủ phê duyệt Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2023 mới được tổ chức tại Hà Nội, các doanh nghiệp châu Âu cho biết, sẽ xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là hydrogen xanh. Góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu của khu vực trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và hình thành chuỗi giá trị hydrogen xanh ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Đức - Viện trưởng Viện Dầu Khí Việt Nam - cho biết, hiện nay nước ta chủ yếu là hydrogen xám. Trong khi quy hoạch định hướng tăng trưởng lượng hydrogen xanh trong tương lai sẽ là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn, đặc biệt cho các startup vì Việt Nam có lợi thế về năng lương tái tạo, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời.

"Cần thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo, không chỉ trong sản xuất hydrogen xanh mà còn cả vận chuyển. Chúng ta cần cung cấp đầy đủ thông tin cho những startup về cuộc cách mạng công nghệ trên thế giới đang diễn ra như nào, học tập được gì từ các startup nước ngoài, làm sao để áp dụng vào Việt Nam..." - ông Đức nói.

Nguồn điện không giới hạn từ ngoài khơi để sản xuất hydrogen xanh

Theo ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, quy hoạch đến năm 2030 sẽ sản xuất được 100.000 - 500.000 tấn hydrogen và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Đây là một giải mục tiêu rất rộng và cần nguồn năng lượng đầu vào sạch để sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Hùng phân tích: "Muốn sản xuất hydrogen xanh phải bắt nguồn từ điện sạch, tức từ năng lượng tái tạo. Trong Quy hoạch điện VIII, nguồn điện để sản xuất hydrogen xanh không giới hạn công suất trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc phòng, hiệu quả kinh tế và đảm bảo trở thành ngành kinh tế mới của đất nước.

Trong bối cảnh đó, điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng rất lớn và không giới hạn. Nên nếu doanh nghiệp nào chủ động nắm bắt cơ hội thì sau quy hoạch không gian biển có thể đề xuất sử dụng các dự án điện gió ngoài khơi vào sản xuất hygrogen xanh".

Bởi theo ông giải thích, nếu sử dụng điện từ lưới điện vào sản xuất sẽ rất khó để chứng minh nguồn hydrogen này có thực sự xanh, sản xuất từ nguồn năng lượng sạch hay không. Muốn giảm chi phí sản xuất hydrogen xanh thì cần liên kết với lưới điện, khi đó sẽ không gọi là xanh. Còn dùng năng lượng tái tạo độc lập với lưới điện sẽ không hạn chế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn