MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: VCA

Đừng bỏ lại phía sau hệ thống hợp tác xã trong đại dịch COVID-19

PV LDO | 26/08/2021 23:08
Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và tác động tiêu cực đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, thành phần kinh tế. Trong đó, 90% tổng số HTX đã giảm mạnh doanh thu và tỷ lệ lớn HTX hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng. Vậy nhưng, trong dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) soạn thảo lại không hề có bất cứ một dòng nào có liên quan đến khu vực kinh tế hợp tác xã (HTX).

Đảng và Nhà nước rất coi trọng và quan tâm khu vực kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Khu vực HTX cùng với cộng đồng DN đang là các tổ chức kinh tế đóng vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.

Vậy nhưng, trong dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Bộ KH&ĐT soạn thảo lại không hề có bất cứ một dòng nào có liên quan đến khu vực kinh tế HTX. Câu hỏi đặt ra là phải chăng khu vực kinh tế HTX đang bị “bỏ rơi” trong khâu chính sách hỗ trợ giữa bối cảnh COVID-19 vốn đầy rẫy khó khăn như hiện nay? Và, các HTX sẽ phải “bấu” vào chính sách hỗ trợ nào để không bị đổ vỡ?

Vai trò nền tảng trong nền kinh tế quốc dân của khu vực kinh tế HTX có thể thấy rõ khi hiện nay cả nước có 26.145 HTX, trong đó có 17.060 HTX nông nghiệp và 7.897 HTX phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, thương mại và tiêu dùng, môi trường, du lịch…); 106 liên hiệp HTX và gần 120.000 tổ hợp tác, thu hút hơn 8 triệu thành viên là đại diện hộ gia đình, tác động đến đời sống và thu nhập của khoảng 30 triệu người, chủ yếu là địa bàn nông thôn.

Trong văn bản mới đây được gửi đến Bộ KH&ĐT và Văn phòng Chính phủ để góp ý dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Liên minh HTX Việt Nam đã đề nghị cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo, là cần ghi cụm từ “doanh nghiệp, hợp tác xã” trong toàn bộ nội dung Nghị quyết.

“Chủ trương của Đảng và Nhà nước là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và các tổ chức kinh tế là “hài hòa về lợi ích và chia sẻ rủi ro". Theo đó, Nhà nước áp dụng chính sách hỗ trợ công bằng giữa HTX và DN là cần thiết và hợp lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi trong tổ chức thực hiện chính sách của các bộ, ngành và địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, góp ý thêm vào bản dự thảo Nghị quyết, Liên minh HTX Việt Nam cho rằng mục tiêu hỗ trợ là các DN, HTX bị khó khăn và thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đều được tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hơn thế nữa, không nên xác định cụ thể số lượng DN, HTX thụ hưởng chính sách hỗ trợ, bởi vì thiếu căn cứ thực tế và không chính xác, gây nên bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách.

Về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị cần bổ sung ở Điểm 2 là “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề...”.

Đối với việc hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, góp ý với bản dự thảo, Liên minh HTX Việt Nam đề nghị miễn giảm toàn bộ phí lưu kho cho các DN, HTX dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu theo mùa vụ phục vụ cho tiêu dùng, xuất khẩu và chế biến, thời hạn tối đa là 3 tháng. Bên cạnh đó, cần giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, phân bón và các loại vật tư, hàng hoá thiết yếu khác. Ngoài ra, cần rà soát giảm tất cả các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất do Nhà nước quản lý.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai gói tín dụng hỗ trợ DN, HTX, thời hạn cho vay phù hợp với luân chuyển vốn của DN, HTX do tác động của đại dịch Covid-19 để hỗ trợ DN, HTX khắc phục khó khăn, chuyển tiếp thuận lợi sang Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khi ngăn chặn được dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn