MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh lấy ý kiến đề xuất dừng đăng kiểm với xe "xù" phí đậu xe dưới lòng đường. Ảnh M.Q

Dừng đăng kiểm với xe ôtô không trả phí đậu xe dưới lòng đường có hợp pháp?

Nam Dương LDO | 25/09/2019 14:14

Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh vừa lấy ý kiến các sở, ban ngành của thành phố về đề xuất áp dụng chế tài từ chối đăng kiểm đối với ôtô trong trường hợp tài xế cố tình không trả phí đậu xe dưới lòng đường và vấn đề này đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo đó, nếu sau 15 đến 30 ngày mà người vi phạm chưa đóng phạt, đơn vị quản lý thu phí đỗ xe sẽ thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam treo cảnh báo từ chối đăng kiểm cho phương tiện. Câu hỏi đặt ra là đề xuất của Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh có phù hợp với quy định hiện hành hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, cho rằng đề xuất trên là chưa phù hợp theo quy định hiện hành về các trường hợp từ chối đăng kiểm.

Nên nếu áp dụng sẽ tạo ra sự khiên cưỡng đối với các quy định của pháp luật và có thể khiến cơ quan áp dụng pháp luật bị khởi kiện, khiếu nại.

Ở đây cần xác định việc vi phạm về trả phí và việc đăng kiểm xe ôtô là hai vấn đề khác nhau, việc người vi phạm không đóng phạt thì có thể dẫn đến phải bị xử phạt hành chính về vi phạm đó.

Đường Lê Lai (quận 1) - 1 trong 23 tuyến đường triển khai thu phí đỗ xe ô tô theo mức giá mới. Ảnh: M.Q

Đồng thời, mục đích của việc đăng kiểm xe ôtô kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải nhằm giúp giảm tránh gây rủi ro trong quá trình lưu thông trên đường cho tất cả mọi người.

Do đó, việc lấy vi phạm đó làm căn cứ để áp dụng chế tài từ chối đăng kiểm xe ôtô có thể dẫn đến mục đích của việc đăng kiểm xe ôtô không còn phù hợp nữa.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015 /TT-BGTVT quy định về hành vi không được kiểm định xe cơ giới: “6. Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định”.

Theo quy định trên thì xe ôtô không được kiểm định trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có văn bản đề nghị không kiểm định hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Tuy nhiên, tại quy định lại này không quy định rõ vi phạm nào thì sẽ bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định. Do đó, vi phạm chưa đóng phạt có thể là vi phạm không thuộc trường hợp bị cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định, tức là có thể vẫn được kiểm định trong trường hợp tài xế vi phạm chưa đóng phạt như trên.

Nhiều tuyến đường triển khai thu phí đậu ôtô bị các cá nhân chiếm dụng và sẵn sàng đuổi khi có xe tới đậu. Ảnh: M.Q

Mặt khác, trong đề xuất trên có đề cập về việc Cục Đăng kiểm Việt Nam treo cảnh báo từ chối đăng kiểm cho phương tiện. Tuy nhiên, không đề cập rõ việc treo cảnh báo này được thực hiện như thế nào? Treo cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định hay ở đâu. Vì rằng, nếu vi phạm bị cảnh báo thì cảnh báo này bị đăng trên Chương trình quản lý kiểm định thì mới rơi vào trường hợp xe ôtô không được kiểm định.

Nên hiện nay quy định của pháp luật đối với chi tiết này là chưa rõ ràng và chưa tập trung vào sự liên quan giữa vi phạm và đăng kiểm. Do đó cần phải cẩn thận khi áp dụng pháp luật.

Về các cơ chế đặc thù theo Nghị Quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh thì không nói rõ việc áp dụng đối với trường hợp nêu trên là một cơ chế đặc thù. Vấn đề quản lý ngân sách nhà nước theo cơ chế đặc thù được quy định tại điều 5, nhưng không nói rõ việc thu và phạt vi phạm có liên quan đến đăng kiểm.

Do đó, nếu muốn xử lý vấn đề này, cần phải đưa việc xử phạt về dừng, đỗ, phí quản lý xe vào trường hợp được cảnh báo trên Chương trình quản lý đăng kiểm thì lúc đó mới có cơ sở pháp lý đưa ra vấn đề này áp dụng vào thực tiễn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn