MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một bãi thải mỏ tại TP.Cẩm Phả nằm ngay trên cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Ảnh: Nguyễn Hùng

Dùng đất, đá thải mỏ san lấp mặt bằng: Không ảnh hưởng đến môi trường

Nguyễn Hùng LDO | 08/12/2022 18:34

Quảng Ninh - Trả lời chất vấn trong phiên họp chiều nay (8.12) của HĐND tỉnh Quảng Ninh, Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Ninh khẳng định việc dùng đất, đá thải mỏ than để san lấp mặt bằng các dự án, công trình không ảnh hưởng gì đến môi trường.

Theo ông Trần Như Long – Giám đốc Sở TNMT Quảng Ninh – việc dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án, khu đô thị tại Hạ Long, Cẩm Phả đã được thực hiện từ nhiều năm nay, trước khi Quảng Ninh và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) có chủ trương dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng.

Thực tế từ các dự án đã sử dụng đất, đá thải mỏ thời gian cho qua cho thấy không có sự ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, kể cả những dự án gần bờ biển.

“Khi bắt đầu triển khai chủ trương dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng, tỉnh Quảng Ninh  đã mời các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đến nghiên cứu chính thức về tác động của đất, đá thải mỏ đối với môi trường. Các công trình nghiên cứu đều khẳng định, các chỉ số các chất trong đất, đá thải mỏ đều trong ngưỡng cho phép” – ông Long cho biết – “Bộ TNMT xếp đất, đá thải mỏ là chất thải công nghiệp rắn thông thường, đảm bảo cho việc san lấp mặt bằng”.

Dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long 2 của Công ty TTP tại TP.Cẩm Phả được sử dụng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng. Ảnh: Nguyễn Hùng

Giám đốc Sở TNMT Quảng Ninh Trần Như Long cho biết, Quảng Ninh đang đưa thêm 32 vị trí bãi thải nữa vào quy hoạch để xin cấp phép khai thác, sử dụng cho san lấp mặt bằng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh – hiện, giá bán 1m3 đất, đá thải mỏ khi được bốc xúc lên phương tiện tại mặt bằng bãi thải mỏ của ngành than là từ 30.000-50.000 đồng. Giá này là không cao so với đất, đá, sỏi, cát tự nhiên, nhưng từ vị trí này đến mặt bằng dự án cần san lấp thì lại là một câu chuyện khác bởi còn phụ thuộc vào cung đường, phương tiện vận chuyển.

Vì thế, để giảm thiểu chi phí cho đơn vị, cá nhân mua đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng thì cần tính toán chọn mỏ khai thác, phương án vận tải; trường hợp ở xa quá thì nên tính toán sử dụng các mỏ tài nguyên tự nhiên.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – khẳng định chủ trương nhất quán dùng đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án, công trình và sẽ thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương này. Đây là chủ trương đúng đắn, đạt nhiều mục tiêu: vừa hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo môi trường, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên...

Sắp tới, phải xây dựng một đề án tổng thể về vấn đề này, có lộ trình chấm dứt khai thác các mỏ đất, đá tự nhiên ở các khu đô thị, trên các trục đường chính để làm nguyên liệu san lấp mặt bằng. Tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tính toán làm sao giảm giá thành, chi phí vận chuyển để hài hòa lợi ích của các bên.

Theo báo cáo, mỗi năm, quá trình khai thác than tại Quảng Ninh thải ra khoảng 150 triệu m3 đất, đá. Hiện, tổng trữ lượng đất, đá thải mỏ tại các mỏ than trên toàn tỉnh lên tới hơn 1 tỉ m3. Để chứa số đất, đá thải khổng lồ này, ngành than cần tới tổng mặt bằng rộng khoảng 4.000ha. Nhiều bãi thải hiện đã cao hàng trăm mét và tiếp tục cao thêm, gây áp lực về môi trường, nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Chưa kể, chi phí để duy trì, đảm bảo an toàn và hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các bãi thải mỏ này hàng năm là rất lớn.

Trong khi đó, nhu cầu san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình tại Quảng Ninh mỗi năm khoảng 130 triệu m3. Dùng đất đá thải mỏ sẽ giảm và giữ được các mỏ tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, đến nay, Bộ TNMT mới cấp phép khai thác đất, đá thải mỏ để san lấp mặt bằng cho 4 dự án, với tổng khối lượng trên 12 triệu m3 – một con số quá nhỏ so với trữ lượng các bãi thải mỏ và nhu cầu nguyên liệu để san lấp mặt bằng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn