MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu depot Ngọc Hồi có diện tích trên 150ha đang bỏ không. Ảnh: Lan Nhi

Đừng để lặp lại một Cát Linh - Hà Đông thứ 2

Đặng Tiến - Lan Nhi LDO | 10/09/2022 14:30

Theo Luật Đường sắt, dự án đường sắt đô thị số 1 sẽ do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, do đó trong thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia để bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện Dự án Dự án đường sắt đô thị (metro) Yên Viên - Ngọc Hồi. Một số chuyên gia cho rằng cần đánh giá lại năng lực và khả năng thực hiện dự án một cách nghiêm túc tránh lặp lại một Cát Linh - Hà Đông thứ 2 vì đây là dự án vô cùng phức tạp.

Dự án phải kết nối đồng bộ

Theo đại diện Bộ GTVT, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 22.3.2022 Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc Tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Cụ thể, Bộ GTVT sẽ đầu tư các hạng mục với chức năng lập các đoàn tàu của đường sắt quốc gia. Còn lại, Hà Nội sẽ đầu tư các hạng mục khu depot thuộc Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan của dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi để UBND TP.Hà Nội chủ động hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan di dời cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát, để bàn giao mặt bằng cho Hà Nội triển khai thực hiện dự án. Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường sắt quốc gia không xuyên tâm qua ga Hà Nội như hiện nay, mà đường sắt khu đầu mối Hà Nội được quy hoạch kết nối tại ga tổ hợp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.

Trong đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vừa được phê duyệt hồi tháng 3, Hà Nội dự kiến dỡ bỏ tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông - Bắc Hồng, thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 và 6.

Theo đó, tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi được cải tạo và xây dựng lại chủ yếu đi trên cầu cạn, chạy chung đường sắt quốc gia vào ga liên vận quốc tế Hà Nội và đường sắt đô thị (tuyến số 1), dự kiến đi qua sông Hồng tại vị trí phía bắc cầu Long Biên.

Trao đổi với ông Hoàng Gia Khánh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) - được biết, bản chất vấn đề là Bộ GTVT bàn giao Dự án đường sắt nội đô Ngọc Hồi - Yên Viên về Hà Nội tiếp quản và quản lý. Khi UBND TP.Hà Nội nghiên cứu dự án và triển khai từng bước, đến khi nào VNR bàn giao Ga Hà Nội và Ga Giáp Bát. Do đó, bước 1 chỉ bàn giao dự án vì hiện đường sắt từ Ngọc Hồi về Ga Hà Nội là tuyến đường sắt quốc gia, do Nhà nước là chủ đầu tư, VNR không có cơ sở để bàn giao. Do đó, Chính phủ, Bộ KHĐT, Bộ Tài Chính và Bộ GTVT quyết định.

Đại diện VNR cho rằng, nếu Chính phủ yêu cầu sẽ thực hiện bàn giao, tuy nhiên khi bàn giao hạ tầng Ga Giáp Bát và Ga Hà Nội thì Ga Ngọc Hồi phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức khai thác vận tải tuyến đường sắt quốc gia như khu depot được xây dựng, công tác khám chữa đầu máy toa xe đủ điều kiện về cơ sở vật chất mới triển khai di dời được.

Cần phải đánh giá nghiêm túc dự án

Theo các chuyên gia, đường sắt phải xuyên tâm vào trong nội đô, nếu đường sắt tốc độ cao kết nối tại Ngọc Hồi hoặc đường sắt quốc gia thì sẽ phải đi một chặng trên 10km từ trung tâm ra, trong khi đó việc kết nối về hạ tầng của chúng ta đang rất yếu.

Cũng theo các chuyên gia cần nhất là thay đổi cầu Long Biên vì cây cầu này là kết nối của tuyến đường sắt số 1 mà hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cao. Trong khi đó, vị trí đặt cầu Long Biên mới vẫn chưa chốt.  

Trao đổi với PV Báo Lao Động, GS-TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) - cho rằng, một dự án kéo dài gần 20 năm đến nay mới khởi động lại và giao lại cho UBND TP.Hà Nội nhưng về tư vấn kỹ thuật vẫn phải là bên giao thông chủ lực.

Theo GS-TS Đặng Đình Đào, từ năm 1936 Nga đã xây tàu điện ngầm dưới lòng đất với những nhà ga như cung điện, ngoài việc vận tải hành khách nó còn là điểm thu hút khách du lịch. Với một dự án đồ sộ, khổng lồ và với chi phí lớn như vậy cần phải cân nhắc lại sự hơn thiệt của dự án. Nếu triển khai không cẩn thận sẽ lại đi vào “vết xe đổ” của tuyến Cát Linh - Hà Đông. Thực tế tuyến đã đi vào khai thác và mặc dù đã mang lại những lợi ích nhưng vẫn phải bù lỗ, do đó cần phải nghiêm túc học tập các nước chứ không thể giậm chân tại chỗ mãi được.

“Cần dẹp lại để nghiên cứu một cách bài bản, để tránh lãng phí về tiền bạc và thời gian” - GS-TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản GTVT - cho rằng, đây là tuyến đường sắt rất quan trọng, nhưng cũng tốn kém nhất. Việc kéo dài đến 20 năm là vì nó chưa làm, nên cứ nêu ra quy hoạch treo vậy, đây là tình trạng chung. Liên quan đến việc thời gian kéo dài vậy thì công nghệ có còn phù hợp, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng do chưa triển khai nên khi thực hiện chỉ cần áp dụng tự động hoá là xong. Tuy nhiên việc thay đổi các nhà ga cần phải nghiên cứu kỹ cả lịch sử và văn hoá vì Ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội) không thể thay đổi được. Chủ yếu là tránh vấn nạn đội giá, chậm tiến độ, gây khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn