MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực đầu nguồn sông Đồng Nai. Ảnh: Lục Tùng

Dùng thuốc trừ sâu đánh bắt tôm cá - hành vi rất nguy hiểm

HÀ ANH LDO | 29/01/2024 09:51

Việc người dân dùng hoá chất, đó là thuốc trừ sâu để đánh bắt tôm cá từng diễn ra một thời gian dài trên sông Đồng Nai. Đây là hành vi nguy hiểm đối với môi trường và sức khoẻ con người.

Ngày 28.1, Phòng CSGT Công an TPHCM (PC08) cho biết, Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn một vụ đổ thuốc sâu xuống rạch để đánh bắt thủy sản.

Theo đó, vào khoảng 11h ngày 26.1, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Đồng Nai tại khu vực rạch Mơn, gần Cầu Cạn (thuộc phường Long Trường, TP Thủ Đức), Tổ công tác của Trạm Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Cát Lái phát hiện có một đối tượng nam điều khiển phương tiện ghe không số đang có hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống rạch Mơn để đánh bắt thủy sản (tôm càng và cá) trái quy định, gây nguy hại cho nguồn lợi thủy sản trên sông.

Ngay lập tức, Tổ công tác thực hiện việc áp sát, dừng phương tiện để tiến hành kiểm tra, xác định hành vi vi phạm đang thực hiện của đối tượng. Tuy nhiên, khi thấy lực lượng cảnh sát đến gần, đối tượng này đã nhảy ra khỏi phương tiện, bỏ trốn lên đất liền.

Do thời điểm phát hiện vụ việc thủy triều đang xuống thấp, phương tiện tuần tra bị mắc cạn, Tổ công tác không thể tiếp cận, bắt giữ đối tượng, chỉ thu giữ được phương tiện và tang vật, trong đó có 1 chai nhựa màu cam chứa khoảng 2 lít nước thuốc nghi vấn là thuốc trừ sâu, khoảng 500gr thủy sản (tôm càng xanh đã chết), 3 con dao sắt dài khoảng 30cm…

Báo Lao Động cũng đã phản ánh về tình trạng những ngày đầu năm 2024, hiện tượng đã trở thành phổ biến là đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống ven sông Đồng Nai để bắt tôm tại khu vực ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Thậm chí, theo những người dân ven sông tại khu vực này, kiểu đánh bắt tận diệt thủy sản trên sông Đồng Nai này diễn ra từ năm 1995, nhưng gần đây rộ lên thêm.

Điều 242 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) ghi rõ về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Theo đó, người nào sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Sông Đồng Nai là nơi cung cấp nước sạch cho hơn 20 triệu dân khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận. Hành vi dùng thuốc sâu đánh bắt tôm cá không chỉ là giảm chất lượng nguồn nước mà sản phẩm đánh bắt được bằng thuốc trừ sâu khi tuồn ra thị trường cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng cần mạnh tay, quyết liệt hơn với tình trạng này để bảo vệ sức khoẻ người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn