MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Tam (bên trái) trú xã Cương Gián-Nghi Xuân-Hà Tĩnh chia sẻ tâm tư khi con em của mình mất cơ hội đi XKLĐ ở Hàn Quốc theo diện EPS. Ảnh: Trần Tuấn.

Dừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc: Chỉ vận động suông nên khó hiệu quả

TRẦN TUẤN LDO | 15/11/2021 17:37
Hà Tĩnh - Huyện Nghi Xuân và huyện Kỳ Anh là 2 trong số 10 huyện của một số tỉnh, thành Việt Nam vừa bị phía Hàn Quốc thông báo dừng tiếp nhận lao động diện EPS do có số lao động cư trú bất hợp pháp cao. Địa phương cho rằng họ chỉ biết tuyên truyền vận động gián tiếp thông qua người thân nên... rất khó.

Lợi cho mình, mất cơ hội của người khác

Từ lâu, xã Cương Gián (Nghi Xuân) là một trong những xã có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất ở Hà Tĩnh, trong đó, phần lớn là đi Hàn Quốc. Thế nhưng, mấy năm nay, huyện Nghi Xuân nhiều lần bị phía Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận đi XKLĐ diện EPS. Điều này là một thiệt thòi lớn cho các thế hệ sau muốn sang Hàn Quốc làm việc.

Bà Nguyễn Thị Tam (54 tuổi, trú thôn Đại Đồng, xã Cương Gián) cho hay, do con em của huyện Nghi Xuân không được phía Hàn Quốc tiếp nhận nên bà có người con gái đành lựa chọn đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc), tuy nhiên, làm việc ở đây thu nhập thấp hơn nhiều so với những người đi Hàn Quốc.

“Giờ nhà tôi còn một cậu con trai cũng sắp học xong cấp 3. Nhưng với việc phía Hàn Quốc dừng tiếp nhận như mới thông báo cách đây ít ngày thì sợ rằng tới đây, khi con tôi học xong cũng không thể sang Hàn Quốc diện xuất khẩu lao động được. Tôi đang tính cho cháu nó đi diện du học. Thế nhưng, du học mất thời gian học và thu nhập cũng thấp hơn” - bà Tam chia sẻ.

Một góc xã Cương Gián nhờ xuất khẩu lao động mà nhà cửa khang trang, quê hương đổi thay rõ rệt. Ảnh: Trần Tuấn.

Nhiều người dân khác khi được hỏi cũng bày tỏ đáng tiếc với việc một số con em địa phương khi sang Hàn Quốc làm việc hết hợp đồng lao động nhưng không về nước. Từ đó làm ảnh hưởng, mất quyền lợi, cơ hội của những người khác ở quê nhà.

Chỉ tuyên truyền vận động gián tiếp nên… khó

Ngày 15.11, ông Hoàng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho hay, xã đã biết việc Bộ LĐTBXH vừa thông báo huyện Nghi Xuân bị phía Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động diện EPS. Sự việc, trước đây xã cũng đã tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không hiệu quả.

“Sáng nay họp, tôi có giao cho các đoàn thể tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có con em đang cư trú bất hợp pháp để họ vận động con em mình về nước” - ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, hiện nay toàn xã có 2.611 người đang làm việc ở nước ngoài. Hàng năm có khoảng 250 - 300 người có nhu cầu đi XKLĐ. Trong đó, phần lớn là mong muốn đi Hàn Quốc vì mang lại thu nhập cao, ổn định.

Ông Đinh Văn Nam -Trưởng phòng LĐTBXH huyện Nghi Xuân cho rằng, lâu nay huyện cũng đã thành lập đoàn đến các gia đình có lao động hết hạn hợp đồng ở Hàn Quốc chưa về nước, nhưng do chỉ vận động gián tiếp qua người thân nên hiệu quả chưa cao.

Ông Nam cũng cho rằng, hiện nay việc ký quỹ chống bỏ trốn chỉ 100 triệu đồng, trong khi một lao động hết hợp đồng ở lại làm việc ở Hàn Quốc mỗi tháng có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng thì họ sẵn sàng vi phạm, vì số tiền ký quỹ đó là nhỏ so với thu nhập mang lại khi họ cư trú bất hợp pháp để tiếp tục làm việc.

“Tôi cho rằng nhà nước cần có chế tài mạnh hơn, chứ chỉ ký quỹ chống trốn, xử lý hành chính như hiện nay là khó hiệu quả. Còn ở địa phương thì chúng tôi cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động mà thôi.” - ông Nam chia sẻ.

Danh sách thể hiện số người đi XKLĐ của huyện Nghi Xuân là rất lớn. Ảnh: TT.

Theo ông Nam, hiện huyện Nghi Xuân có hơn 14.600 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, riêng ở Hàn Quốc có hơn 3.900 người. Mỗi năm nguồn ngoại hối từ XKLĐ của con em huyện nhà gửi về quê là khoảng 2.000 tỉ đồng.

Theo Phòng LĐTBXH huyện Kỳ Anh, lâu nay huyện đã tuyên truyền, vận động nhưng hiệu quả của việc kêu gọi lao động ở Hàn Quốc hết hợp đồng về nước đúng hạn vẫn chưa được như mong muốn. Tới đây, huyện tiếp tục phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhiều hơn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn