MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn vị thi công tiến hành đào, đắp nền đường dự án đoạn qua địa phận TP Thái Bình (ảnh chụp thời điểm tháng 8.2023). Ảnh: Nam Hồng

Dừng triển khai dự án 2.586 tỉ đồng theo hình thức PPP sau khi khởi công gần 3 năm

TRUNG DU LDO | 19/04/2024 09:05

Vừa qua, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức cuộc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, thảo luận, quyết định một số nội dung quan trọng theo thẩm quyền.

Tại cuộc họp, các đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình đã tiến hành bỏ phiếu thông qua 19 Nghị quyết quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết thống nhất chủ trương về việc không tiếp tục thực hiện hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn (viết tắt là Dự án).

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, Dự án được HĐND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 13.12.2019 và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 26.5.2020.

Dự án có chiều dài hơn 21,2km, với quy mô đường cấp II đồng bằng, tổng vốn đầu tư hơn 2.586 tỉ đồng; trong đó, vốn Nhà nước gần 786 tỉ đồng, vốn huy động nhà đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng; thời gian thực hiện năm 2020-2023; thời gian thu phí hoàn vốn là 22 năm 11 tháng.

Đơn vị trúng thầu thi công Dự án là liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP, Công ty CP Lam Sơn Thái Bình, Công ty CP DAMSAN và Công ty CP Tập đoàn Phú Thành.

"Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên, do một số nguyên nhân đã làm dự án bị chậm tiến độ. Đến nay, Dự án mới thi công đào hữu cơ 17,6km, đắp cát nền đường 16,54km, thi công đệm thoát nước khoảng 3,5km, thi công 1 cầu tạm, hoàn thành sửa chữa và đảm bảo giao thông phạm vi nút giao với đường tỉnh ĐT.455 của dự án", đại diện chủ đầu tư thực hiện Dự án - cho biết.

Dự án được động thổ khởi công xây dựng từ năm 2020, dự kiến hoàn thành năm 2023, tuy vậy quá trình thi công, Dự án có một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến không tiếp tục thực hiện theo hình thức đầu tư ban đầu. Tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để phục vụ thi công Dự án chậm so với hợp đồng đã ký...

Qua tìm hiểu của PV Lao Động, một nguyên nhân khác, được xem là lý do chính phải chấm dứt thực hiện Dự án tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức PPP, đó là: Theo quy hoạch ban đầu, Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng qua Thái Bình - Nam Định (ký hiệu CT.08) sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư giai đoạn sau năm 2030.

Tuy nhiên, đến tháng 7.2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Thái Bình nghiên cứu và đến tháng 12.2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cao tốc này với thời gian dự kiến đi vào hoạt động, khai thác từ năm 2027.

Điều này được dự báo sẽ làm sụt giảm lưu lượng xe cộ, phương tiện di chuyển qua tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến phương án tài chính (hoàn vốn BOT) của Dự án. Chưa kể, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thái Bình kết nối với TP Hải Phòng, Quảng Ninh và Nam Định, Ninh Bình cũng đang dần được hoàn thành, về đích.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, hiện nay tỉnh đang nghiên cứu, xây dựng phương án tiếp tục thực hiện tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức phù hợp, đúng quy định của pháp luật, nhằm tránh gây thiệt hại cho Nhà nước và các nhà đầu tư.

Đồng thời, tỉnh giao các sở, ngành, đơn vị tham mưu thương thảo, đàm phán với nhà đầu tư dự án thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng BOT, kiểm toán và thanh quyết toán hợp đồng đảm bảo đúng quy định, không làm thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn