MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam gặp khó khi áp dụng cơ chế tự chủ, hiện nợ gần 3,2 tỉ đồng tiền lương và BHXH của hàng trăm lao động. Ảnh: HOÀNG BIN

Được giao tự chủ tài chính, loạt cơ sở y tế tại Quảng Nam gặp khó, nợ lương

Hoàng Bin LDO | 17/10/2023 06:51

Sau 4 tháng áp dụng cơ chế tự chủ tài chính, nhiều cơ sở y tế công tại Quảng Nam vẫn chìm trong khó khăn, có bệnh viện còn đang nợ lương người lao động (NLĐ).

Thu không đủ bù chi

Tháng 6.2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025 trong đó giao quyền tự chủ tài chính cho 32 đơn vị gồm 3 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 21 cơ sở tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Cơ chế tự chủ được triển khai nhằm mục tiêu giảm dần kinh phí chi thường xuyên từ nguồn ngân sách Nhà nước và tạo quyền chủ động cho các bệnh viện trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến hiện tại, nhiều đơn vị tự chủ đối diện với hàng loạt khó khăn khi nguồn thu không đủ bù chi.

Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh được giao tự chủ 78,9% kinh phí hoạt động. Dự toán thu năm 2023 giao hơn 21,8 tỉ đồng, trừ các khoản chi còn lại phải thu hơn 17,6 tỉ đồng. Trong khi đó, tổng nhu cầu kinh phí chi lương và hoạt động thường xuyên tại đơn vị này lên đến hơn 19 tỉ đồng, nên kể cả thu đủ trong chi tiêu giao, tỉnh vẫn phải bù thêm gần 1,4 tỉ đồng.

Thực tế, đến tháng 10.2023, kể cả nguồn ngân sách Nhà nước cấp, Bệnh viện YHCT tỉnh chỉ mới thu hơn 10,7 tỉ đồng và đã chi hơn 9 tỉ đồng. Do vậy, trong 3 tháng cuối năm, đơn vị này cần đến gần 10 tỉ đồng để chi lương và chi thường xuyên.

Với việc hoạt động không hiệu quả, nguồn thu từ khám chữa bệnh giảm suất, hiện chỉ có hơn 80 bệnh nhân so với quy mô 247 giường bệnh nội trú, bệnh viện YHCT tỉnh đang nợ gần 3,3 tỉ đồng tiền lương và BHXH từ tháng 7 đến nay của 136 NLĐ.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Tam Kỳ, tình hình cũng không khả quan khi lượt khám chữa bệnh giảm sâu khiến nhân viên y tế ở đây liên tục chịu cảnh chậm lương. Với mức độ tự chủ 61%, đơn vị này luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Đầu năm 2023, Sở Y tế thống nhất phương án chuyển giao TTYT Tam Kỳ sang hệ dự phòng, nhưng hiện đề án này vẫn chưa hoàn thành.

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam gặp khó khi áp dụng cơ chế tự chủ, hiện nợ gần 3,2 tỉ đồng tiền lương và BHXH của hàng trăm lao động. Ảnh: Hoàng Bin

Nhiều bất cập

Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 3 năm đại dịch COVID-19, nguồn thu của các bệnh viện đều giảm sâu, nên không phản ánh đúng tình hình thu - chi của giai đoạn này, để làm cơ sở xây dựng phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023 - 2025.

Nhóm các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, chủ yếu là các TTYT có hệ thống điều trị hiện đã sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng sau khi thông tuyến BHYT.

“Ngay khi quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT có hiệu lực, từ chỗ là đơn vị y tế ban đầu được người dân lựa chọn, TTYT Tam Kỳ ngày càng không thể cạnh tranh với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh cũng như các cơ sở tư nhân trên địa bàn. Số lượng đầu thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại đây giảm gần 2/3 so với trước đây” - đại diện TTYT Tam Kỳ cho biết.

Đối với các bệnh viện, vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá thu viện phí chưa tính đúng, tính đủ các chi phí. Giá viện phí ở cơ sở y tế công hiện mới chỉ 4/7 yếu tố, chưa có 3 phần gồm khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này gây hạn chế phát triển bệnh viện.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn của ngành y tế hồi tháng 6.2023, ông Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc - cho biết, đơn vị này nằm trong nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên với số nhân lực gần 1.000 người.

“Ước tính mỗi năm, chúng tôi tiết kiệm chi cho Nhà nước hơn 150 tỉ đồng khi tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo quy định, chúng tôi sẽ được ngân sách hỗ trợ chi đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều thiết bị máy móc của bệnh viện đã hư, cũ chưa kể số giường bệnh thiếu, cơ sở hạ tầng xuống cấp... chúng tôi vẫn chưa được phê duyệt đầu tư, do chờ đợi phê duyệt rất lâu, dẫn đến không bắt kịp được kế hoạch phát triển” - ông Tô Mười nói.

Trước mắt, các bệnh viện mong sớm có chủ trương hoặc ban hành khung giá khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ chi phí. Ngoài ra, cần ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra công tác khám chữa bệnh BHYT.

Ngày 11.10, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định bổ sung kinh phí cho Sở Y tế để chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở y tế điều trị tuyến tỉnh và hoạt động khám chữa bệnh tại TTYT trực thuộc Sở Y tế với số tiền hơn 28,4 tỉ đồng. Về lâu dài, ngân sách Nhà nước cấp ngày càng giảm sâu theo lộ trình, các bệnh viện phải tự tìm giải pháp cân đối nguồn thu thông qua hoạt động khám chữa bệnh BHYT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn