MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em tự ý bơi lội ở những khu vực sông hồ sẽ rất dễ bị đuối nước. Ảnh: Linh Trang

Đuối nước ngày hè: Chuyện muôn thuở, vẫn lo ngay ngáy!

Nguyên Linh LDO | 30/05/2018 06:37

Mặc dù chỉ mới chớm hè nhưng những vụ trẻ em đuối nước đã liên tiếp xảy ra để lại những nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội. Một điều đáng buồn hơn khi tình trạng này năm nào cũng tái diễn mặc dù đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn.

Liên tiếp những vụ việc đau lòng 

Chiều 9.5, một vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại địa bàn xã Đắk Buk So, H.Tuy Đức (Đắk Nông) khiến 4 em học sinh tử vong. Theo đó, nhóm 6 em học sinh đang chơi tại bờ sông, một em bị trượt chân ngã xuống nước, những em còn lại nhảy xuống cứu bạn nhưng tất cả đều đuối nước theo. Khi người dân gần đó nghe tiếng kêu cứu đã chạy tới thì 4 em đã tử vong, 2 em còn lại trong tình trạng nguy kịch. 

Trước đó, chiều 13.4, tại thị xã Tân Châu, An Giang, một nhóm học sinh kéo đến khu vực bờ cồn Long Hưng, phường Long Châu trên sông Tiền để tắm, do không biết bơi, hai em trong số đó đã bị nước cuốn trôi. 

Hay như mới đây, tại thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) cũng đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 nam sinh lớp 7 tử vong.

Trên đây chỉ là một trong số những tai nạn thương tâm xảy ra khi mùa hè mới bắt đầu. Năm 2017, theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Những tai nạn đuối nước thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, các cơ quan chức năng đặc biệt vào thời điểm mùa hè. 

Vẫn đau đáu nỗi lo

Mùa hè tới, các em học sinh thường có thói quen rủ nhau ra sông, hồ tắm mà không có sự giám sát của phụ huynh. Bản tính hiếu động, hay nô đùa khiến các em khó có thể kiểm soát được nguy hiểm và đuối nước là điều rất dễ xảy ra. Có những trường hợp, do không được trang bị các kĩ năng bơi lội từ nhà trường và gia đình, chỉ vô tình bị ngã xuống nước, các em cũng khó thoát khỏi nguy hiểm. Trên thực tế, các biện pháp để khắc phục những tai nạn đau lòng cũng thường xuyên được nhắc tới nhưng chưa đạt được hiệu quả cao.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An

Trao đổi với PV Lao Động, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết: "Những trường hợp đuối nước gia tăng trong giai đoạn mùa hè là điều khó tránh khỏi, đặc biệt đối với lứa tuổi trung học cơ sở. Trong độ tuổi hiếu động, việc các em xuống nước nô đùa, té nước, dìm nhau... đều khiến tình trạng đuối nước dễ xảy ra. Hơn nữa, nhiều gia đình để các em đi bơi lội tự do, sự tự do cùng với thiếu kinh nghiệm thực tế về bơi lội cũng dễ dẫn đến những nguy hiểm". 

Về nguyên nhân tại sao hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con em đi học bơi nhưng vẫn không hiệu quả, ông An cũng cho rằng, bố mẹ hoặc những người hướng dẫn chỉ dạy về cơ bản và những lý thuyết nhưng hạn chế về những kĩ năng xử lý khi gặp sự cố dưới nước. "Hiện nay, có những người dạy bơi chỉ dạy cho hết trách nhiệm, còn các kĩ năng khi gặp sự cố, giải quyết sự cố lại ít nơi dạy. Bởi vậy, đến khi gặp sự cố, các em sẽ không biết cách xử lí". 

Chia sẻ về biện pháp để giảm thiểu những trường hợp này, ông An cho biết: "Đầu tiên là do bố mẹ, phải làm thế nào để trau dồi kĩ năng thực tế cho con em về những tình huống bất ngờ xảy ra. Nếu phụ huynh chú ý hơn, cùng với sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, tình trạng đuối nước sẽ giảm đi rất nhiều". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn