MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những con đường bê tông chạy dài lên tít non cao được người dân các thôn xã 135 của tỉnh Tuyên Quang đồng lòng, quyết tâm xây dựng. Ảnh: Cao Huy

Đường bê tông lên tận bản cao

Phong Quang - Phùng Minh LDO | 18/09/2021 08:52

Những con đường bê tông trải dài hút tầm mắt, kéo dài từ những cánh đồng lúa xanh mướt tới vườn cây ăn quả trên tít non cao đã chứng minh cho quyết tâm và khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân vùng cao tỉnh Tuyên Quang.

Thôn Khun Vìn, xã Kiên Đài (Chiêm Hoá, Tuyên Quang) đặt mục tiêu hoàn thành 3 tuyến đường nội đồng dài hơn 660m trong năm nay. Với một thôn bản tỉ lệ hộ nghèo cao và chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thì quả là thách thức.

Ông Ma Phúc Mạnh, Bí thư chi bộ thôn Khun Vìn cho biết, vì thôn ít người trong khi diện tích giải phóng mặt bằng lớn kéo theo chi phí xây dựng gia tăng, mức đóng góp của người dân từ đó cũng cao hơn.

Cũng có người nói đường ra đồng lúa thì cần gì bê tông, có người đưa ra lý lẽ vì nhà mình không có ruộng, có đồi trên tuyến đường đó, không đi qua nên không đóng góp. Nhiều ý kiến trái chiều, tưởng chừng không làm được.

"Khó chứ không phải không làm được"

"Có người hiểu, người chưa muốn hiểu nhưng vấn đề ở đây là phải kiên trì bởi đồng bào mình ưa nhẹ nhàng. Rồi từ những người đi đầu hiến cả trăm mét đất làm đường, người dân nhìn vào, chuyển biến từng ngày" - ông Mạnh cho biết.

Nhờ những con đường được bê tông hoá mà cuộc sống người dân vùng cao Tuyên Quang đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Cao Huy. 

Một số tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng, đồng bào nhìn thấy ngay lợi ích. Đơn giản như việc đi lại dễ dàng, vận chuyển nông sản thuận lợi, nhất là các cháu đến trường quần áo đã không còn bị lấm lem bởi bùn đất. Ai cũng phấn khởi ra mặt.

Chưa hết năm nhưng đến nay, thôn Khun Vìn đã cơ bản gần hoàn thành mục tiêu hơn 660m đường bê tông đặt ra. Tháng 10 này, xã Kiên Đài sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.

Với xã Bình An, xã thuộc diện 135 của huyện vùng cao Lâm Bình, để có những con đường bê tông cứng chắc lên tận non cao thì đó là một câu chuyện của sự đồng lòng và sáng tạo.

Trưởng thôn Phiêng Luông (xã Bình An) Hoàng Văn Phong hồ hởi kể về việc làm đường bê tông: "Vì thôn nghèo, xã nghèo nên xác định kêu gọi người dân đóng góp là rất khó, vì vậy phải tìm được những nguồn thu khác bù vào, giảm gánh nặng cho bà con".

Cái khó ló cái khôn, 50% số tiền từ công tác chăm sóc bảo vệ 668 ha rừng 2 năm qua được trích ra để làm đường bê tông. 650 nhân khẩu trong thôn giảm bớt được gánh nặng đóng góp. 

Tiếp theo phải giải quyết vấn đề quỹ đất để làm đường, bởi đã là đường bê tông nông thôn mới thì không thể nhỏ hẹp được, phải tính cả ô tô đi vào. Thế là chính quyền lại tiếp tục vận động hiến đất làm đường.

Trưởng thôn Phong nhớ lại: "Có người nghe ngay, có người lăn tăn bởi cả trăm mét đất cho không cũng tiếc. Nhìn các xã bên có đường to đẹp, xe ô tô đến tận cửa thu mua ngô sắn mà thấy tiện quá. Bà con hiểu, từng người chủ động hiến cả vài trăm mét đất".

Trong thời gian ngắn, hơn 2.300m đường bê tông của thôn Phiêng Luông đã được hoàn thành. Những con đường dẫn lên tận núi cao nơi có vươn cam, quýt xanh trái chờ ngày thương lái đưa xe ô tô đến tận nơi thu mua. Cuộc sống ấm no thêm nhiều hứa hẹn.

Cuối năm 2020 HĐND tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 55 thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn trong 5 năm tới với mục tiêu bê tông hóa ít nhất 1.080km đường. Đó là mục tiêu khó với một tỉnh còn nghèo nhưng không phải không làm được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn