MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên của Công ty CP tư vấn Bravolaw, địa chỉ tại Yên Lãng (Đống Đa) tư vấn cho phóng viên Báo Lao Động cách thức kinh doanh thực phẩm bẩn qua mặt cơ quan chức năng.

Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn: Nhận diện đường dây bán khống giấy kiểm định an toàn thực phẩm

NHÓM PV LDO | 05/01/2023 08:29

Trong bài viết “Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn: Vạch trần loạt chiêu trò của các đầu buôn” đăng trên số báo 03 ra ngày 4.1.2023, phóng viên Báo Lao Động, trong vai những chủ buôn mới mở một kho đông lạnh và đang tìm nguồn thực phẩm phục vụ thị trường Tết, đã tiếp cận được một số đầu mối chuyên cung cấp thực phẩm đông lạnh tại Hà Nội - một loại sản phẩm đang được người dân ưa chuộng trong những năm qua. Từ đây, hàng loạt các chiêu trò “hô biến” và hợp thức hóa các thực phẩm không rõ nguồn gốc, thiếu giấy tờ và trà trộn thực phẩm kém chất lượng để việc kinh doanh mau thu hồi vốn được người bán hé lộ.

Dễ dàng mua giấy kiểm định an toàn thực phẩm  (ATTP)

Tiếp tục tư vấn cho phóng viên về cách làm giàu nhờ bán thực phẩm đông lạnh giá rẻ, không có giấy tờ, nhân viên của kho đông lạnh tại số 117A Bùi Xương Trạch (Q.Thanh Xuân) tiết lộ, để đạt được lợi nhuận cao nhất, các kho đông lạnh thường tự gia công, chế biến thực phẩm bằng cách cắt lát, chia nhỏ rồi sau đóng gói mang đi tiêu thụ. Dù thực tế, đa số các cơ sở đều không đảm bảo vệ sinh và không được cấp phép để làm việc này.

Xác định phóng viên là khách hàng tiềm năng, có triển vọng hợp tác và phát triển lâu dài, chúng tôi được người này giới thiệu hẹn gặp giám đốc của đơn vị có tên V vào sáng ngày hôm sau.

Theo lịch hẹn, V đi cùng một người phụ nữ đến gặp chúng tôi để bàn chuyện làm ăn. Sau khi phóng viên cung cấp các thông tin về kho hàng sắp mở và khối lượng hàng cần nhập, người đàn ông này cho biết, nếu là khách hàng lớn, hàng sẽ được xuất đi từ kho tổng ở Quang Minh (huyện Mê Linh) bởi đây là nơi chứa nguồn hàng do V sở hữu lớn nhất trong toàn hệ thống.

Nếu muốn nhập số lượng lớn thực phẩm đông lạnh không có giấy tờ giá rẻ như: chân gà, nầm, tràng, trứng non… của V, chúng tôi cần phải trở thành khách hàng thân thiết của đơn vị này mới được ưu tiên. V dặn dò, việc mua bán những sản phẩm như trên cần phải cẩn trọng vì nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng.

“Hàng đấy chủ yếu bán cho hàng lẩu, nếu để lộ ở kho họ vào phạt nặng lắm nên bình thường mình chỉ dám gửi cho khách một đến hai thùng thôi. Nầm, tràng trứng mình cũng không dám để trong kho tổng, chỉ phân bổ ở kho lẻ nên nếu bạn lấy thì mình sẽ bố trí gửi riêng” - V nói.

Tự nhận mình là nơi cung cấp nguồn thực phẩm cho rất nhiều kho sỉ đông lạnh ở Thủ đô, V khẳng định, với những người mới gia nhập thị trường này mà muốn yên tâm làm ăn thì phải tìm mua các loại giấy tờ như VSATTP, ISO, HACCP  (giấy tờ kiểm định thực phẩm bắt buộc) để đối phó với cơ quan chức năng, ngay cả khi cơ sở không đảm bảo các điều kiện.

Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi về việc giấy kiểm định thực phẩm cũng có thể bỏ tiền mua, V tư vấn rằng: “Các bạn nên thuê 1 bên luật họ làm trọn gói, chỉ khoảng 10 triệu đồng là họ làm hết cho thôi. Hàng không giấy tờ thì không nên nhập về kho, khách mà cần thì mình gọi bên nào đấy rồi giao tận nơi chứ để vào kho là tịch thu toàn bộ đấy”.

Bằng cách móc nối với các công ty luật, mua các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, chủ đơn vị này tự tin khẳng định, nếu chẳng may cơ quan chức năng có đi kiểm tra thì các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng sẽ được báo trước để chuẩn bị. Do vậy, dù có bán thực phẩm bẩn, kém chất lượng hay không có giấy tờ thì việc tẩu tán sẽ vô cùng đơn giản.

Chỉ cần chi tiền thì chứng nhận gì cũng có

Từ tiết lộ của V, rằng người kinh doanh có thể tìm tới dịch vụ của các công ty luật, qua tham khảo, chúng tôi tìm đến công ty luật tại địa chỉ số 19, ngõ 76, đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa).
Chủ cơ sở kho đông lạnh tại địa chỉ số 117A phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân) tên V “bàn chuyện làm ăn” với phóng viên Lao Động.

Sau khi trình bày đang sở hữu một kho thực phẩm đông lạnh mới mở nhưng thiếu nhiều điều kiện theo quy định, chúng tôi được một người đàn ông giới thiệu là nhân viên của công ty này tư vấn nên chọn mua giấy chứng nhận HACCP - một tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng trong an toàn thực phẩm được cấp bởi các đơn vị chỉ định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo người này, đối với giấy chứng nhận HACCP và giấy ISO, điều kiện yêu cầu về cơ sở của chủ kinh doanh sẽ thấp hơn và công ty luật này cũng đã có quan hệ với đơn vị cấp nên sẽ tác động được sâu hơn.

Với mức giá thị trường khoảng 22 - 25 triệu đồng, người này khẳng định, nếu đồng ý chi tiền, tất cả những gì chúng tôi cần cung cấp chỉ là ảnh của kho hàng và giấy tờ chứng minh của chủ sản xuất kinh doanh.

Để gia tăng uy tín của công ty, người đàn ông hồ hởi khoe với chúng tôi 1 bộ hồ sơ mới làm khống cho một cơ sở sản xuất bánh gà. Cơ sở này thực chất là hoạt động ở Hà Nội nhưng được cấp chứng nhận ISO ở tận Nam Định. Việc làm khống được nhân viên công ty luật giải thích là để khiến lực lượng chức năng không thể tìm được địa chỉ kho sản xuất và từ đó né tránh được các cuộc kiểm tra về chất lượng, mà hàng thì vẫn có thể bán đi mọi nơi nhờ cái mác đầy đủ giấy tờ.

Tiếp tục liên hệ với một công ty luật khác có tên Công ty CP Tư vấn Bravolaw, địa chỉ tại Yên Lãng (Đống Đa), phóng viên được nhân viên của công ty này chia sẻ tường tận những mánh khoé để biến một đơn vị đầy vi phạm thành một cơ sở uy tín, thậm chí là kinh doanh hàng kém chất lượng nhưng không phải chịu trách nhiệm nếu bị phát hiện. Như lập ra nhiều pháp nhân để làm hợp đồng lưu kho với chính một trong những pháp nhân ấy, hoặc lập ra nhiều kho để cất giấu “hàng cấm”.

Cách thức này được nhân viên Công ty Bravolaw khẳng định là hiệu quả và được nhiều chủ kho áp dụng thành công. Điều này cũng lý giải vì sao, dù thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện ra các kho thực phẩm bẩn không phép nhưng luôn không tìm thấy chủ kho hàng.

“Trách nhiệm của mình là mình có giấy HACCP nhưng là về kiểm định kho, lưu kho đông lạnh. Hàng hóa mình lưu lại là mình làm thuê, chủ hàng thực phẩm đưa hàng đến kho và họ trả tiền thuê kho của mình, chứ mình chỉ có trách nhiệm đảm bảo nhiệt độ như thế này” - nhân viên này tiết lộ.

Nếu đúng như những lời quảng cáo của các công ty luật này, khi nhận làm thủ tục mua bán giấy phép, rất có thể đang tồn tại hệ thống mua bán giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và tuồn thông tin, kế hoạch thanh kiểm tra từ cơ quan chức năng. Và cũng nhờ đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm không chân chính sẽ dễ dàng đưa hàng không giấy tờ, kém chất lượng ra thị trường để tiêu thụ. Hành vi không những vi phạm quy định của pháp luật mà việc kinh doanh và tiếp tay cho kinh doanh thực phẩm bẩn cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hại đến sức khoẻ cộng đồng. Các hoạt động trên rất cần sự vào cuộc xử lý mạnh mẽ, quyết liệt của các cơ quan chức năng.

* Theo luật sư Nguyễn Hồng Tâm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - ảnh), các đối tượng vi phạm về ATVSTP hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự và số thực phẩm bẩn cũng bị tịch thu và tiêu hủy toàn bộ nếu bị phát giác.


Nói về loại dịch vụ “thần kỳ” của các đơn vị tự xưng là công ty luật khi chỉ cần khách hàng bỏ ra số tiền trên dưới 20 triệu đồng sẽ dễ dàng sở hữu giấy kiểm định HACCP hoặc ISO, dù không cần biết cơ sở thực tế có đạt chuẩn hay không, luật sư Tâm khẳng định, theo quy định của pháp luật thì không có trường hợp nào được mua các loại giấy phép. Bởi những giấy tờ này sẽ chỉ được cấp khi các cơ sở đủ điều kiện, việc tư vấn dịch vụ như trên là hoàn toàn sai sự thật.

 * TS Lê Văn Giang - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế - ảnh) đánh giá, thị trường thực phẩm đông lạnh đang tồn tại nhiều mặt hàng thực phẩm đông lạnh không đảm bảo chất lượng. Bởi giá rẻ cũng kèm theo nhiều nguy cơ, như thịt đã quá hạn - các đầu buôn muốn bán thì phải hạ giá thành. Và việc này hoàn toàn cạnh tranh lấn át những mặt hàng tươi tốt được kiểm định đúng quy trình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn