MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ phá thế độc đạo tuyến Quốc lộ 14, giúp Đắk Nông kết nối thuận lợi với các tỉnh ở khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: Thanh Hà

Đường lớn đã mở cho Đắk Nông phát triển

Phan Tuấn - Thanh Hà LDO | 29/06/2024 11:00

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ phá thế độc đạo về kết nối giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Đắk Nông đi Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo bước đột phá cho Đắk Nông trong việc phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, thu hút đầu tư, kết nối với các trung tâm tiêu thụ lớn ở phía Nam.

Người dân, doanh nghiệp ở Đắk Nông mong chờ cao tốc

Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Cao tốc có tổng chiều dài 128,8km. Trong đó, đoạn đi qua Đắk Nông dài 27,8km và đi qua Bình Phước 101km.

Tổng mức đầu tưu cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sơ bộ là 25.540 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước tham gia 12.770 tỉ đồng và vốn nhà đầu tư 12.770 tỉ đồng.

Theo ông Đoàn Huy Cường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R'lấp), khi nghe thông tin có đường cao tốc đi qua địa phương thì chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi đây rất phấn khởi. Bởi hiện địa phương chỉ có 1 con đường đi qua và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, chính quyền đã tổ chức họp dân để thông tin về dự án. Trong đó, công tác quản lý mốc giới được địa phương thực hiện rất nghiêm. Chính quyền vận động người dân không xây dựng công trình, trồng cây mới ở khu vực mốc giới đã được cắm.

Theo Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV Ngô Tố Ninh, hiện mỗi ngày, có khoảng 100 lượt xe tải trọng lớn cung cấp các vật tư cho hoạt động của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Số lượng vận chuyển alumin đi tiêu thụ cũng tương ứng gần 100 xe.

So với trước đây, đường Hồ Chí Minh đã được nâng cấp, cải tạo nên vận chuyển hàng hóa đã thuận lợi hơn. Nhưng với lưu lượng hiện tại thì chưa đáp ứng được.

Vào những giờ cao điểm, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV phải dừng vận chuyển để hạn chế tác động về an toàn giao thông tới hoạt động của các đơn vị, nhất là trường học trên địa bàn.

Phần lớn lượng hàng hóa đến - đi Nhà máy Alumin Nhân Cơ là từ các cảng biển lớn ở TP.Hồ Chí Minh và vùng phụ cận với quãng đường bình quân khoảng 260km. Mỗi ngày, 1 xe tải trọng lớn chỉ vận chuyển được 1 - 2 lượt vì đường nhỏ, hẹp, phải di chuyển với tốc độ chậm.

Ông Ninh cho biết thêm, nếu có cao tốc thì việc vận chuyển hàng hóa của công ty sẽ thuận tiện và rút ngắn thời gian hơn nhiều. Cao tốc không chỉ giúp công ty mà còn tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển của Đắk Nông.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ thúc đẩy Đắk Nông phát triển nhanh, mạnh về kinh tế xã hội. Ảnh: Thanh Hà

Mở ra không gian lớn cho Đắk Nông và Tây Nguyên phát triển

Chia sẻ về ý nghĩa của tuyến cao tốc đường bộ Gia Nghĩa - Chơn Thành, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho biết, quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) là một trong bốn trục hành lang kinh tế của tỉnh.

Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết vùng giữa Tây Nguyên với Đông Nam Bộ. Sau khi dự án hoàn thành sẽ phá thế độc đạo về kết nối giao thông, giúp rút ngắn thời gian di chuyển đoạn từ Đắk Nông đi Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, kết nối với các trung tâm tiêu thụ lớn ở phía Nam.

Dự án cao tốc sẽ thúc đẩy ngành logistics, nhất là trong vận chuyển nông sản, thực phẩm, alumin, nhôm, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, giao thông thuận lợi, giúp thu hút thêm lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đắk Nông, đáp ứng yêu cầu, sự mong đợi của Nhân dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng.

Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn đó những khó khăn khi dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành mới phê duyệt và rất nhiều dự án, công trình đầu tư công trên địa bàn Đắk Nông đã, đang vướng về pháp lý khi chồng lấn quy hoạch khoáng sản, nhất là bô xít.

Đối với những khó khăn này, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Ngô Thanh Danh cho rằng, không gian phát triển của Đắk Nông hiện rất hạn hẹp, vì gần như 6 huyện, thành phố của tỉnh đều có bô xít. Và không những bô xít mà còn ảnh hưởng bởi đất nông lâm trường, đất lâm nghiệp trước đây khiến bây giờ không gian phát triển rất khó.

"Thế nên khi triển khai, Chính phủ, Quốc hội cũng đã thấy vấn đề này, cũng nêu ra và cũng đã có ý kiến và cho ý kiến tháo gỡ. Thật lòng chúng tôi thấy vấn đề này cũng rất khó, nhưng mà những quy hoạch này thì chúng tôi chỉ kiến nghị thôi, còn các bộ, ngành, Chính phủ quyết tâm, quyết liệt thì mới tháo gỡ được", Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Ngô Thanh Danh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn