MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Võ Văn Ngân tái lập cẩu thả, xuất hiện "ổ gà" gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Minh Quân

Đường mới làm xong cũng bị đào xới, tái lập cẩu thả như tấm áo vá

MINH QUÂN LDO | 07/10/2023 06:00

TPHCM - Không chỉ những tuyến đường cũ, đường mới làm xong cũng bị đào xới để thi công các công trình ngầm. Nhiều nhà thầu đào lên nhưng khi tái lập mặt đường lại rất cẩu thả, đường nhấp nhô, chỗ tạo thành rãnh, chỗ tạo ra gờ.

Mặt đường như tấm áo vá sau tái lập

Suốt 3 năm qua, người dân lưu thông trên đường Võ Văn Ngân (thành phố Thủ Đức) hết chịu cảnh kẹt xe vì đường bị rào chắn để thi công dự án chống ngập thì nay lại phải “né đông, tránh tây” do mặt đường tái lập cẩu thả.

Theo ghi nhận, đường Võ Văn Ngân, đoạn từ khu vực nhà thiếu nhi thành phố Thủ Đức đến chợ Thủ Đức sau khi bị đào xới để lắp cống thoát nước, nhà thầu tái lập mặt đường như sống trâu, lồi lõm. Những lớp nhựa cũ, mới đan xen nhau được giặm vá xẻ dọc, xẻ ngang mặt đường như tấm áo vá.

Đường sá như tấm áo vá sau tái lập. Ảnh: Minh Quân
Mặt đường Võ Văn Ngân bị lún sụt và tù đọng nước do tái lập mặt đường cẩu thả. Ảnh: Minh Quân

Đoạn từ giao lộ Đặng Văn Bi tới chợ Thủ Đức, mặt đường hư hỏng, tạo nhiều “ổ gà” gây nguy hiểm cho người đi đường. Còn đoạn đường bên hông chợ Thủ Đức, mặt đường bị bong tróc, khiến việc đi lại, buôn bán của người dân tại khu vực gặp nhiều khó khăn.

Mặt đường bong tróc, tù đọng nước. Ảnh: Minh Quân

“Mặt đường được tái lập rất nham nhở. Khi trời mưa đường ngập khiến người chạy xe máy rất khó nhận biết đoạn đường xấu để tránh. Tôi nhiều lần chứng kiến người chạy xe máy bị chao đảo, ngã nhào vì đi vào ổ gà” - ông Hưng, tiểu thương tại chợ Thủ Đức, nói.

Nhà thầu tái lập mặt đường như sống trâu, lồi lõm. Ảnh: Minh Quân

Tương tự, Quốc lộ 13 qua địa bàn thành phố Thủ Đức vốn đã chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc. Từ khi tuyến đường này được đầu tư sửa chữa lại hệ thống thoát nước thì khi hoàn trả mặt bằng tệ đến nỗi khiến cho mặt đường như bị thu hẹp hơn. Bởi làn đường xe máy gồ ghề, nhiều đoạn chắp vá rời rạc nên xe máy chạy qua bị loạng choạng, nhiều người đánh liều chạy qua làn ôtô.

Rất nhiều tuyến đường ở TPHCM cũng bị đào xới để thi công ngầm hóa lưới điện, cáp. Việc đào những lằn phui đường đã phá vỡ kết cấu nền đường khiến chất lượng đường sụt giảm, mà hiện tượng dễ nhận thấy là mặt đường bị lồi lõm, không còn bằng phẳng như trước.

Sở GTVT TPHCM nói gì?

Ông Võ Khánh Hưng - Phó Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM - thừa nhận, đường vừa làm xong bị đào lên, sau đó tái lập sơ sài là thực trạng lâu nay ở TPHCM.

Ông Hưng cho biết, hàng năm, Sở GTVT và các sở ngành, quận - huyện đều trao đổi thông tin về kế hoạch triển khai các dự án, kế hoạch đào đường cho năm sau. Mục đích là các chủ đầu tư khi đào đường phải thông báo với các đơn vị khác để thi công cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà việc này không được thực hiện đồng bộ. Nguyên nhân chính do các dự án không được bố trí vốn kịp thời cũng như phê duyệt dự án đầu tư. Từ đó dẫn đến tình trạng đường vừa làm xong thì một đơn vị thi công ngầm hóa lưới điện, cáp xin đào lên để lắp đặt.

Ngoài ra, trong việc tái lập mặt đường, vai trò của chủ đầu tư, tư vấn giám sát rất quan trọng. Song các công trình tổ chức thi công, nhất vào ban đêm, khi tái lập mặt đường đôi khi giám sát không làm tròn trách nhiệm.

Nhiều tuyến đường vốn bằng phẳng không hư hại nhưng nay bị tái lập lại nham nhở, chắp vá. Ảnh: Minh Quân

Về giải pháp, ông Võ Khánh Hưng cho hay, Sở GTVT TPHCM luôn yêu cầu các đội Thanh tra Giao thông kiểm tra để xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu tái lập mặt đường cẩu thả. Ngoài ra, khi hoàn trả mặt bằng và bàn giao, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở GTVT TPHCM) phải kiểm tra kỹ, đảm bảo tái lập mặt đường theo nguyên trạng mới tiếp nhận.

Cũng theo ông Võ Khánh Hưng, khi có sự chồng lấn của nhiều dự án cùng tham gia thi công trên một khu vực, Sở GTVT TPHCM lúc này sẽ đóng vai trò “trọng tài” điều tiết các đơn vị, chủ đầu tư có sự phối hợp với nhau về tiến độ để triển khai phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Hằng năm, Sở GTVT đều công bố danh mục đường cấm đào. Trong đó, sở yêu cầu các đơn vị điện lực, viễn thông... phải phối hợp ngay từ đầu khi thi công đào đường. TPHCM đã ban hành quy định về quy chuẩn kỹ thuật làm hào kỹ thuật trên từng tuyến đường đầu tư mới. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư bố trí hào kỹ thuật dự phòng cho sự phát triển trong tương lai để không đào đường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn