MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hoá tại ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ảnh: Đình trường

Đường sắt đặt mục tiêu... thoát lỗ

TRÍ MINH LDO | 09/12/2022 06:00

Mặc dù sản lượng vận tải cả hàng hoá và hành khách tăng mạnh trong tháng 11.2022, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của đường sắt vẫn lỗ khoảng từ 300 đến 350 tỉ đồng.

Hạ giá vé tăng tiện ích để hút khách đi tàu

Xác định rõ không thể cạnh tranh được với loại hình vận tải hàng không tại các chặng dài như: Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TPHCM, do vậy, đơn vị vận hành đường sắt đang tập trung khai thác các tàu ngắn, hướng đến các điểm du lịch như Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Quảng Bình…

Ngoài việc đưa ra mức giá cạnh tranh như tuyến Hà Nội - Quảng Bình dịp cao điểm hè giá vé tàu chỉ từ 700.000 - 800.000 đồng/vé giường nằm (trong khi giá vé máy bay trên 1.000.000 đồng/vé), phía Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay cũng đưa ra nhiều chương trình giảm giá, kích cầu.

Đồng thời tăng cường cải thiện chất lượng dịch vụ trên tàu, chất lượng suất ăn, các trang thiết bị phục vụ hành khách...

Do đó, kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 kéo dài suốt dịp hè 2022, vận tải hành khách phục hồi mạnh mẽ. Dự kiến doanh thu tàu khách cả đạt khoảng 760 tỉ đồng (đạt 190% kế hoạch). Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 54% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Cùng với đó, vận tải hàng hoá đường sắt cũng có những kết quả đáng khích lệ.

Đại diện Công ty Cổ phần vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) cho biết, hiện giá cước đường sắt khá cạnh tranh, thậm chí rẻ hơn đường bộ ở các cung chặng xa. Thời gian qua giá nhiên liệu tăng cao, vận tải đường bộ đã không đáp ứng được với lợi thế của mình nên đường sắt đã lấy lại được thị phần vận tải hàng hoá.

Cụ thể, nếu tính giá vận chuyển trên đường sắt cung chặng từ 350-400km, cùng một khối lượng, giá đường sắt vẫn thấp hơn so với đường bộ khoảng 15%. Do đó, Ratraco vẫn duy trì sản lượng vận tải tăng trưởng khoảng 12%, doanh thu tăng trưởng khoảng 15%.

Quyết tâm sẽ không còn lỗ

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, vận tải đường sắt đạt hiệu quả cao do đổi mới tư duy, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, chạy tàu bám thị trường hơn. Nếu như trước kia mỗi ngày đều chạy cố định 5 đôi tàu Thống Nhất, tàu khu đoạn Sài Gòn - Nha Trang, tàu Sài Gòn - Phan Thiết, nhưng giờ chỉ chạy từ 3-4 đôi tàu Thống Nhất tùy thời điểm, tàu khu đoạn cũng chỉ chạy vào cuối tuần khi khách đông.

Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - ông Nguyễn Viết Hiệp - cho biết, dự kiến năm 2022 đơn vị lỗ khoảng lỗ 101 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ còn khoảng 20 tỉ đồng.

Theo đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), năm 2022, theo kế hoạch giao, Công ty mẹ lợi nhuận âm 550 tỉ đồng nhưng đến nay dự kiến chỉ âm 350 tỉ đồng, giảm lỗ 200 tỉ đồng (giảm khoảng 35%). Do VNR kiên trì thực hiện các giải pháp chuyển dần trọng tâm sang vận tải hàng hóa để bù đắp cho vận tải hành khách. 

Tính đến thời điểm cuối tháng 11.2022, tỉ trọng vận tải hàng đã chiếm đến 55%, vận tải hành khách 45%, trong khi trước kia vận tải hàng chỉ chiếm khoảng 35%. 

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc VNR cho biết, năm 2023 đường sắt đưa ra kế hoạch phải cân bằng các hoạt động sản xuất kinh doanh để không còn lỗ nữa. Đây là mục tiêu không dễ dàng nhưng là điều bắt buộc, vì năm 2023 tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, VNR đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh từ sớm để nâng cao sản lượng vận tải hàng hoá, nhất là hàng hoá liên vận, xây dựng kế hoạch vận tải khách điều chỉnh giá vé, giá cước, chính sách khuyến mại linh hoạt theo nhu cầu thị trường, tiếp tục phối hợp với các đơn vị du lịch đưa ra các sản phẩm kết hợp vận chuyển du lịch đường sắt hấp dẫn...

Cũng theo ông Đặng Sỹ Mạnh, VNR sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị, điều hành để tiết giảm chi phí, tăng năng suất. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tiết giảm chi phí, từng bước thu gọn đầu mối trong các đơn vị, bộ phận thuộc thẩm quyền. Trong đó, sẽ sáp nhập 5 chi nhánh đầu máy, từ tháng 1.2023 sẽ chỉ còn 3 chi nhánh; sáp nhập các ban quản lý dự án khu vực; sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn