MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hữu Chánh

Đường sắt đô thị là xu thế tất yếu của giao thông công cộng ở Việt Nam

Xuyên Đông LDO | 24/05/2024 08:29

Hiện nay, các tuyến đường sắt đô thị mới bước đầu đưa vào hoạt động ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đường sắt đô thị chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu giao thông công cộng ở Việt Nam.

Kết quả bước đầu

TS Vũ Hồng Trường, Chủ tịch, TGĐ Hà Nội Metro - cho biết, theo tính toán cứ 1 triệu chuyến đi chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị thì sẽ giảm được 487.000 giờ tham gia giao thông trên đường, giảm được khoảng 100 tấn phát thải khí CO, HC và NOx (Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, ô nhiễm không khí gây thiệt hại về kinh tế hàng năm chiếm 5-7% GRDP của Việt Nam). Với các lợi ích đó, đường sắt đô thị sẽ là phương tiện công cộng chủ yếu trong tương lai.

Thực tế, qua gần 3 năm vận hành, đường sắt đô thị số 2A, Cát Linh - Hà Đông có nhiều kết quả nổi bật. Hiện tại, mỗi ngày có trên 35.000 hành khách sử dụng tuyến đường sắt này là phương tiện đi lại trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.

Còn ông Hoàng Ngọc Tuân - Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư, Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TPPHCM hơn 220km với 8 tuyến với tổng mức đầu tư khoảng 25 tỉ USD. Đến nay thành phố đã triển khai được 2 tuyến, trong đó tuyến đường sắt đô thị số 1 dài 19,7km dự kiến đưa vào khai thác thương mại vào năm 2024, tuyến tàu điện ngầm số 2 giai đoạn 1 dài 11,3km dự kiến vận hành vào năm 2032.

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển đường sắt đô thị

Chia sẻ giải pháp tăng cường phát triển đường sắt đô thị, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường cho biết, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền về việc thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng nhất là những loại phương tiện nhanh, khối lớn, thân thiện môi trường như đường sắt đô thị.

Còn ông Hoàng Ngọc Tuân nhấn mạnh các chính sách đột phá. Tiêu biểu, việc phát triển đường sắt đô thị hiện nay cần thiết phải gắn với phát triển đô thị dọc tuyến (mô hình TOD) để đảm bảo tính đồng bộ giữa phát triển đường sắt và tái thiết đô thị; thu hồi đất các vùng phụ cận để tổ chức đấu giá quỹ đất, tạo nguồn tài chính đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị...

Để phát triển đường sắt đô thị cần có giải pháp về nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, Việt Nam không còn thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp và đã gia nhập vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, dẫn đến các khoản vay nước ngoài sẽ ít thành tố ưu đãi, mang tính thương mại cao.

Vì vậy, cần phải đa dạng hóa nguồn lực tài chính từ: Ngân sách Nhà nước, nguồn tài chính từ việc tổ chức đấu giá quỹ đất theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu, huy động tối đa nguồn vốn trong nước,...

Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước cần rút bớt trình tự thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án. Hiện nay tổng thời gian thực hiện một tuyến đường sắt đô thị trung bình từ 12 đến 15 năm. Do thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài, việc đầu tư khai thác không đồng bộ giữa các tuyến sẽ làm giảm hiệu quả của toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị, làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tạo dư luận không tốt… Vì vậy phải khẩn trương nghiên cứu giải pháp tổng thể, khả thi, xây dựng các cơ chế theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh để chủ động trong việc phê duyệt và triển khai dự án, nhằm rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn