MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều đoạn trên tuyến giao thông huyết mạch tại địa bàn huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Hoàng Bin

Đường sạt lở khẩn cấp tại Quảng Nam vẫn ì ạch sửa chữa

Hoàng Bin LDO | 02/08/2023 06:32

3 tuyến ĐH1, ĐH2 và ĐH5 dài hơn 70 km lên huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam được đầu tư gần 400 tỉ đồng để sửa chữa, nhưng hiện tiến độ rất chậm, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân.

Đầu tư gần 400 tỉ đồng sửa đường sạt lở

Cuối năm 2020, 3 tuyến đường huyết mạch của huyện miền núi Phước Sơn là ĐH1, ĐH2, ĐH5 đã bị lũ quét gây sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng, giao thông lên Phước Sơn bị chia cắt hoàn toàn. Theo đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phải ban hành tình huống khẩn cấp sạt lở đối với tuyến ĐH1, ĐH2 do ảnh hưởng thiên tai.

Tháng 8.2021, Quảng Nam phê duyệt dự toán đầu tư sửa chữa, khắc phục 3 tuyến giao thông trên với tổng kinh phí 392 tỉ đồng nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại, ổn định đời sống của nhân dân.

Theo ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch xã Phước Thành (huyện Phước Sơn), tuyến đường ĐH1 điểm đầu từ xã Phước Đức qua xã Phước Chánh, Phước Kim đến Phước Thành dài 40 km, từng tan hoang trong cơn bão Molave cuối năm 2020.

Sau bão, trên cung đường này xuất hiện gần 30 điểm đất đá tràn xuống, taluy hư hỏng; 4 cống và 5 cầu bị cuốn trôi xuống vực sâu. Mặt đường nhựa toàn tuyến bong tróc, xói lở hơn 90%.

Hiện nay tuyến ĐH1 mới thi công cơ bản phần cống, cầu ngắn, còn phần mặt đường mới triển khai được 10% - ông Lê Quang Trung - Chủ tịch huyện Phước Sơn - cho biết.

Tuyến ĐH2 và ĐH5 có tiến độ thi công khá chậm vì nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như đoạn ĐH2 đi qua xã Phước Thành và Phước Lộc hiện thi công phần cống là chủ yếu.

Chậm tiến độ vì giá vật liệu tăng cao

Trong khi các dự án chậm triển khai, hàng ngày người dân địa phương vẫn phải đi lại trên tuyến đường đã xuống cấp.

Anh Hồ Văn Hải (thôn 2, xã Phước Thành) phản ánh, đi đường ĐH1 từ thị trấn Khâm Đức về nhà phải vượt qua những đoạn đường đá lổm chổm, ổ gà, ổ voi. Mỗi khi mưa xuống, đường biến thành sông ngập nửa bánh xe.

Hiện đường ĐH1 qua dốc Đồi Chim dài hơn 2 km, đoạn xã Phước Kim giáp ranh xã Phước Thành, bị người dân địa phương gọi là "đường tử thần", bởi một bên vách núi cao gần 100 m dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm.

"Chính quyền và người dân mong Nhà nước sớm đầu tư khôi phục tuyến đường để việc giao thương, cấp cứu người bệnh khi ốm đau, học sinh đến trường... được thuận lợi hơn" - ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch xã Phước Thành - nói.

Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch huyện Phước Sơn - hiện đơn vị thi công đang gặp nhiều khó khăn do giá vật liệu xây dựng thông thường tăng cao.

Đơn cử, giá cát chở đến chân công trình đã tăng lên gần 820.000 đồng/m3, so với giá cát 421.000 đồng/m3 khi phê duyệt, đá xây dựng loại 1,2 cũng tăng lên 800.000 đồng/m3 so với giá phê duyệt hơn 400.000 đồng/m3.

Theo hợp đồng, tiến độ thi công đường ĐH1 là đến tháng 11.2024; ĐH2 đến tháng 3.2025, còn ĐH5 đến tháng 6.2025. Thời gian còn lại tương đối dài, nếu nhà thầu tập trung phương tiện, vật liệu, nhân lực thi công thì vẫn đảm bảo, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch huyện Phước Sơn - nói.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết, huyện đã làm việc với các nhà thầu để xác định điểm, đoạn tuyến gây bức xúc nhằm tập trung thi công sửa chữa, đảm bảo lưu thông cho đồng bào. Những điểm có nguy cơ sạt lở, tắc đường trên đường ĐH1 đã được giải quyết, còn trên tuyến ĐH2 và ĐH5 thì vẫn còn một số điểm cầu cống, taluy, nhà thầu chưa thực hiện theo yêu cầu của huyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn