MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè nhiều tuyến phố trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã được duy trì trật tự. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Duy trì trật tự vỉa hè: Phải thường xuyên, lâu dài và tăng cường xử phạt

VƯƠNG TRẦN LDO | 06/04/2023 08:14

Qua hơn 1 tháng ra quân, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã có những bước tiến triển so với trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để duy trì được trật tự vỉa hè không phải là chuyện “ngày một, ngày hai”, cùng với đó cần có tư duy mới trong việc quản lý vỉa hè.

Duy trì tính bền vững phải chờ... thời gian

Theo ghi nhận của PV Lao Động, tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm hàng quán trên các tuyến đường Phúc Diễn, Cổ Nhuế, Lê Đức Thọ, Mỹ Đình 2 (quận Nam, Bắc Từ Liêm), phố Phan Kế Bính, phố Đội Cấn, khu vực trường Tiểu học, THCS và THPT Thực Nghiệm (quận Ba Đình) đã có sự chuyển biến tích cực. 

Anh Nguyễn Vĩnh Hoàng (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi có chiến dịch dọn dẹp hàng quán, tôi cảm thấy thông thoáng, chỗ đi của người đi bộ được thoải mái hơn”.

Tuy nhiên, tại nhiều khu vực vẫn xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm. Sau khi lực lượng chức năng rời đi, vỉa hè vẫn bị những lái xe ôtô, xe máy dừng đỗ như khu vực Xuân Đỉnh, Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm), Nguyễn Hoàng, Bến xe Mỹ Đình (Nam Từ Liêm). Tương tự, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, phương tiện đỗ lộn xộn cũng xảy ra tại khu vực chợ Lương Định Của hay khu vực cổng Bệnh viện Bạch Mai.

Trao đổi với Lao Động, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS TP Hà Nội) - cho rằng, có thay đổi ít nhiều so với trước khi ra quân nhưng tính bền vững của việc duy trì các hoạt động này thì còn phải chờ thời gian.

Ông Ánh nhấn mạnh, không nên biện giải cho sự tuỳ tiện, thoả hiệp để vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm rồi mới đi “dẹp”. Việc quản lý vỉa hè, lòng đường đô thị được trật tự không phải là chuyện “ngày một, ngày hai” mà phải là thường xuyên, lâu dài. Bước tiếp theo sau vận động, giám sát đó là tăng cường xử phạt. 

Tính đến việc giải quyết công ăn, việc làm cho những người bám vỉa hè mưu sinh

Ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho rằng, với điều kiện giao thông tĩnh trên địa bàn quận còn thiếu, nhu cầu gửi phương tiện của người dân và du khách lớn. Nếu dừng ngay việc không cho phép sử dụng hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện sẽ gây ra sự xáo trộn rất lớn, người dân sẽ dừng, đỗ xe tự phát, không được quản lý. 

Do đó, ông Tùng đề xuất: “Việc giải quyết trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông là một vấn đề xã hội liên quan đến nhiều người dân cho nên phải có lộ trình giải quyết phù hợp, đạt yêu cầu về quản lý trật tự đô thị song tính đến đời sống mưu sinh, an sinh xã hội của người dân hàng ngày, tính đến việc giải quyết công ăn việc làm với những hộ gia đình đang kinh doanh ngoài vỉa hè để mưu sinh”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn