MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân lao động bị mắc COVID-19 thời điểm tháng 2, 3.2022, tự điều trị tại nhà ở Bắc Giang chưa được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Trong ảnh: Công nhân thuê trọ tại xã Song Khê, Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (ảnh minh hoạ). Ảnh: Bảo Hân

F0 đã khỏi bệnh tại Bắc Giang: Vì sao chưa được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH?

Bảo Hân LDO | 09/05/2022 12:09

Trong khi có địa phương từ thời điểm tháng 2, tháng 3.2022 đã cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho những F0 tự điều trị tại nhà, thì tại Bắc Giang, những trường hợp tương tự lại chưa được cấp.

Vướng mắc trong xác định tự điều trị tại nhà có phải là điều trị ngoại trú hay không?  

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế Bắc Giang - cho biết, những trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại Bắc Giang rơi vào tháng 2 và tháng 3.2022, từ khi có chủ trương điều trị F0 tại nhà.

Theo ông Toàn, tính từ thời điểm tháng 2 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 300.000 F0 điều trị tại nhà.  

Về nguyên nhân chưa cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho F0 đã khỏi bệnh, ông Toàn lý giải: Theo quy định, người lao động được hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Nếu NLĐ bị mắc COVID-19 điều trị nội trú, việc cấp giấy chứng nhận này căn cứ vào giấy ra viện, không có vướng mắc gì.  

Vướng mắc xảy ra đối với những người điều trị tại nhà. Những đối tượng này, theo quy định tại Thông tư 56 của Bộ Y tế, chỉ viết giấy nghỉ ốm cho những người điều trị tại nhà khi trường hợp đó được quản lý, điều trị ngoại trú. Người điều trị ngoại trú phải đến khám, bác sĩ căn cứ vào kết quả khám sẽ viết cho bệnh nhân giấy nghỉ việc hưởng BHXH. 

“Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp F0 điều trị tại nhà, khi xét nghiệm ở công ty dương tính thì chủ trương của Bắc Giang cũng như các tỉnh khác là cho về nhà điều trị và khai báo y tế, không đến trạm y tế. Trong khi đó, Thông tư 56 chưa quy định những trường hợp không đến trạm y tế khám mà chỉ đến khai báo thì có được coi là điều trị ngoại trú hay không và có được viết giấy nghỉ việc hưởng BHXH hay không?”- Trưởng phòng Nghiệp vụ Y cho biết.  

Đại diện Sở Y tế cho rằng, nếu cấp giấy chứng nhận mà chưa có hướng dẫn của Trung ương hay của Bộ Y tế thì việc đúng, sai sau này mới biết được; đồng thời cho rằng, đối với những người tự điều trị ở nhà, đã khỏi bệnh, chưa cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH chứ không phải là không cấp.

“Tạm thời chưa rõ thì đợi Chính phủ có chủ trương, vì vấn đề này ngoài tầm quyết định của tỉnh” - ông Toàn nói.  

Cần đảm bảo quyền lợi của người lao động 

Cũng theo ông Toàn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã giao Sở Y tế tiếp tục có văn bản gửi Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để đề nghị có văn bản giải quyết các trường hợp này.

Ông Toàn nói thêm, những người khỏi bệnh trước đây, nếu bây giờ xin cấp giấy chứng nhận thì có vướng mắc, đó là: Thời điểm cấp giấy chứng nhận và thời điểm ốm không giống nhau - điều này không đúng theo quy định.  

Ông Toàn cũng cho rằng, nếu cho phép cấp giấy chứng nhận nghỉ việc để hưởng BHXH cho những F0 đã khỏi bệnh thì phải nghiên cứu các văn bản liên quan để tháo gỡ, giải quyết các quy định.

Ví dụ, thời hạn nộp giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho doanh nghiệp tối đa 45 ngày kể từ ngày người lao động quay trở lại làm việc; cho phép căn cứ vào giấy cách ly, hoàn thành cách ly để cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và chấp nhận giấy chứng nhận này để hưởng chế độ ốm đau…  

* Khoản 2, Điều 21 Thông tư số 56/2017/TT-BYT (quy định chi tiết thi hành luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế) quy định: Đối với trường hợp người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của NLĐ đang điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư này.

Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện thì cơ quan BHXH căn cứ số ngày nghỉ ghi tại phần ghi chú của giấy ra viện để làm căn cứ thanh toán chế độ BHXH theo quy định.

Điều 57 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về điều trị ngoại trú:

1. Điều trị ngoại trú được thực hiện trong trường hợp sau đây: 

a) Người bệnh không cần điều trị nội trú;

b) Người bệnh sau khi đã điều trị nội trú ổn định nhưng phải theo dõi và điều trị tiếp sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Sau khi quyết định người bệnh phải điều trị ngoại trú, người hành nghề có trách nhiệm sau đây: 

a) Lập hồ sơ bệnh án ngoại trú theo quy định tại Điều 59 của luật này;

b) Ghi sổ y bạ theo dõi điều trị ngoại trú trong đó ghi rõ thông tin cá nhân của người bệnh, chẩn đoán, chỉ định điều trị, kê đơn thuốc và thời gian khám lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn