MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

F0 ở ĐBSCL tăng cao, ngành y tế có quá tải?

Tạ Quang LDO | 09/12/2021 10:33

Số F0 ở ĐBSCL những ngày gần đây liên tục tăng cao, có tỉnh, thành bình quân gần 1.000 ca mỗi ngày, ngành y tế nhiều địa phương đang đứng trước áp lực quá tải.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.Cần Thơ, trong ngày 8.12, thành phố ghi nhận 875 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới - nâng tổng số ca nhiễm của thành phố lên đến 34.879 ca; trong đó có 16.683 ca đã điều trị khỏi, 271 ca tử vong. Tính đến nay, trên địa bàn Cần Thơ đã có gần 15.000 F0 đang điều trị tại nhà, xuất hiện tại hầu hết các xã, phường, thị trấn của các quận, huyện.

Bác sĩ Đoàn Anh Tuân - Trưởng Trạm Y tế phường Phước Thới (quận Ô Môn) cho biết, tính đến đầu tháng 12, trạm đang quản lý hơn 300 F0 điều trị tại nhà. Trên địa bàn phường có khu công nghiệp nên F0 rất nhiều. Hầu như đêm nào cũng có vài ca F0 gọi điện cấp cứu.

Cũng theo bác sĩ Tuân, trước đó, ở trạm y tế, 1 người kiêm 3-4 chương trình y tế. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế càng vất vả và áp lực hơn. Hiện tại, trạm y tế có 6 nhân viên với gần 30.000 dân vừa thường trú, tạm trú, đảm nhận công tác lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng, truy vết… Thành phố đã tăng cường 4 sinh viên hỗ trợ nhưng vẫn quá tải.

Nhân viên y tế đến đo SpO2 cho F0.

Bác sĩ Trần Quốc Luận - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ thông tin, số bệnh nhân nhập viện điều trị COVID-19 mỗi ngày cao hơn số người được điều trị khỏi nên đơn vị rất áp lực, sắp quá tải, nhất là tầng 3 – tầng điều trị bệnh nhân có triệu chứng nặng, mặc dù các bệnh nhân đều đã tiêm vaccine từ 1-2 mũi.

Để giảm áp lực cho hệ thống y tế trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.Cần Thơ đã có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc phân tầng điều trị tại một số bệnh viện. Trong đó, tầng 1 do các trạm y tế lưu động và trạm y tế quản lý và điều trị F0 tại nhà; tầng 2 tại các bệnh viện trên địa bàn có 2.750 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 không đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà, F0 đang quản lý tại nhà có diễn biến vượt khả năng chuyên môn của của trạm y tế; tầng 3 có 350 giường điều trị các bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân có bệnh lý nền.

Đến nay, Cần Thơ đã thành lập 62 đội y tế lưu động bổ sung cho các trạm y tế; đồng thời triển khai mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ F0 từ xa qua điện thoại”. Ở các quận, huyện, tùy lượng F0 ở từng xã, phường, thị trấn mà phân công số lượng đội y tế lưu động phù hợp; các quận như Bình Thủy, Thốt Nốt vận động thêm gói thuốc A để hỗ trợ cho người dân. Quận Thốt Nốt vận động, trưng dụng 9 xe cấp cứu từ thiện (mỗi phường 1 xe) để hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện.

Tại Vĩnh Long, từ ngày 4.12, tỉnh này kích hoạt phương án quản lý chăm sóc F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tại nhà, nhằm giảm quá tải cho các cơ sở y tế thu dung điều trị bệnh nhân.

Bác sĩ CKll Nguyễn Thị Bé Trinh - Trưởng Trạm y tế lưu động cụm 3 - Tam Bình, cho hay, để tránh diễn biến nặng cho bệnh nhân, hạn chế quá tải cho bệnh viện thì nhân viên ở trạm luôn luôn trong tư thế sẵn sàng từ khâu hướng dẫn chăm sóc y tế tại nhà, vệ sinh ăn uống cũng như cấp thuốc men đầy đủ cho người bệnh và hướng dẫn những dấu hiệu cần thiết khi trở nặng để phát hiện những dấu hiệu sớm nhất, nhằm đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, tránh tình trạng chuyển nặng.

Theo thống kê số ca mắc COVID- 19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ của Vĩnh Long chiếm khoảng 96%, việc triển khai phương án quản lý chăm sóc F0 tại nhà không chỉ giúp giảm quá tải cho các bệnh viện mà còn tạo tâm lý thoải mái, giúp người bệnh mau hồi phục.

Theo báo cáo Sở Y tế Vĩnh Long, từ 18 giờ ngày 08.12.2021 đến 07 giờ ngày 09.12.2021, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 508 trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Và tính từ ngày 01.01.2021 đến 07 giờ ngày 09.12.2021: Vĩnh Long có 15.867 ca nhiễm đã công bố.

Tại Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị các địa phương thực hiện tốt việc phân túi thuốc về cho các trường hợp F0 được điều trị tại nhà. Tuyệt đối không để trường hợp F0 không có túi thuốc điều trị, kể cả thuốc chăm sóc sức khỏe, thuốc điều trị ban đầu… Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra trạm y tế lưu động và các trạm y tế để kịp thời chấn chỉnh công tác chuẩn bị đủ các yêu cầu cho công tác điều trị F0. Ngoài ra, chú ý kiểm tra các túi thuốc đã giao, việc phân bổ các túi thuốc, khi phát các túi thuốc phải hướng dẫn cụ thể cho dân nắm khi thực hiện điều trị F0 tại nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn