MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm y tế lưu động đến tận nhà thăm khám cho người mắc COVID-19. Ảnh: Anh Tú

F0 trong cộng đồng tăng, áp lực của trạm y tế lưu động càng nhiều

KHÁNH LINH LDO | 30/08/2021 19:17

Hơn 400 trạm y tế lưu động ở các phường, quận đang nỗ lực ngày đêm để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác, tiêm vaccine... giúp người dân nhanh chóng tiếp cận y tế.

Công việc tăng lên tính bằng lần

Những ngày này, điện thoại tổng đài hotline và người phụ trách trạm y tế lưu động liên tục rơi vào trạng thái tiếp nhận cuộc gọi từ người bệnh 24/24h. Vài ngày gần đây, khi số ca F0 trong cộng đồng xét nghiệm nhanh tăng thì áp lực công việc của các trạm y tế cũng theo đó nhân lên.

Bác sĩ quân y Lê Thanh Tâm - Phụ trách Trạm y tế lưu động số 21, phường Bình Thuận, quận 7 cho biết ban đầu phường mà trạm anh phụ trách không nằm trong "vùng cam", "vùng đỏ" nhưng hiện nay số lượng đã liên tục tăng.

"Đến bây giờ số lượng F0 trên địa bàn qua đợt xét nghiệm vừa rồi đã tăng lên gấp đôi, đa số là trong các xóm trọ. Phường, quận chỉ đạo đối tượng đó sẽ đưa đi cách ly tập trung do khu nhà trọ chật chội không đủ điều kiện tự cách ly.

Hiện tại trạm mình có 3 quân y phụ trách chuyên môn, 2 tình nguyện viên của phường và một số tình nguyện viên theo chương trình y tế cộng đồng để xét nghiệm và tiêm vaccine theo phường. Nếu số lượng F0 tăng lên nữa cũng sẽ khá căng thẳng"- bác sĩ Tâm cho biết.

Tương tự ở trạm y tế lưu động số 4, phường Tân Kiểng, quận 7, bác sĩ Võ Việt Hản phụ trách trạm chia sẻ việc đồng hành cùng trạm khiến áp lực công việc tăng lên tính bằng lần so với lúc anh còn công tác ở tổ y tế cộng đồng: "Tính chất công việc vẫn như vậy nhưng công việc tăng gấp 3 lần kể từ khi chuyển sang công tác trạm y tế lưu động. Trạm có 5 thành viên. Chúng tôi ngủ ít lại, chia ca luân phiên, để thường lúc nào trong đội cũng có 1 người được ngủ"- bác sĩ Hản chia sẻ.

Không chỉ điều trị tận nhà cho F0 khi cần, mà các trạm y tế lưu động còn phụ trách luôn cả nhiệm vụ đưa bệnh nhân chuyển viện cấp cứu khi cần. "Bệnh này nó chuyển nặng đột ngột chứ không từ từ. Có thể hôm trước mình xuống khám người bệnh vẫn khoẻ nhưng hôm nay có chuyển biến xấu, người ta mệt là mình phải đưa người ta đi cấp cứu luôn bằng chính xe của mình"- bác sĩ Hản nói.

Không chỉ COVID-19...

Không chỉ phụ trách quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19, các trạm y tế lưu động còn đang hỗ trợ tư vấn cho rất nhiều loại bệnh lý khác mà người dân trong khu vực gặp phải, hay thậm chí là đưa những bệnh nhân cấp cứu vì một số bệnh lý, tai nạn nhập viện khẩn cấp. Công việc cứ thế như một guồng quay chưa biết khi nào dừng lại.

 "Đội của mình là đội xe cấp cứu của phường. Mình đưa bệnh nhân đi cấp cứu cả những bệnh không phải là COVID-19. Trường hợp các bệnh nhân cấp cứu xảy ra cũng nhiều, gần như ngày nào cũng có. Các bệnh đều cần cấp cứu khẩn cấp như trường hợp bệnh nhân bị té bị chấn thương sọ não bất tỉnh hôn mê, lao phổi suy hô hấp, tai biến...

Nhiều lúc thậm chí hotline tiếp nhận của bệnh viện bận liên tục, chúng tôi đành đưa bệnh nhân thẳng tới bệnh viện rồi xin họ tiếp nhận xử lý"- bác sĩ Hản chia sẻ về những áp lực công việc cứu người mỗi ngày ở trạm.

Ở trạm y tế lưu động số 21, quận 7, bác sĩ quân y Lê Thanh Tâm cũng gặp rất nhiều bệnh nhân không phải F0 cần sự trợ giúp và tư vấn y tế. "Khi khám tư vấn cho một số bệnh khác chẳng hạn như bệnh người già, tăng huyết áp chuyển hoá, bệnh nhi... Những trường hợp này, chúng tôi chưa có đủ thuốc để hỗ trợ nên đang đề xuất phường cung cấp để phát kịp thời cho người dân.

Về lượng thuốc để điều trị cho F0, hiện tại trạm có túi thuốc của quân y, túi thuốc A, B, C của phường và 1 số túi an sinh nữa thì hiện tại cũng vừa đủ. Đủ là vì thực tế một số người dân gia đình họ đã chủ động tự trang bị các loại thuốc điều trị bệnh nhẹ"- bác sĩ Tâm chia sẻ.

Trạm y tế lưu động hiện nay là cầu nối đầu tiên giữa người bệnh với nguồn lực hỗ trợ về y tế trong thời điểm TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Công việc chính của họ là chăm sóc, quản lý người nhiễm tại nhà, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao; phát thuốc điều trị cho bệnh nhân; xét nghiệm COVID-19, bao gồm test nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn