MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vĩnh Long tình hình sạt lở xảy ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm hộ dân. Ảnh: Hoàng Lộc

Gần 100 điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

HOÀNG LỘC LDO | 19/06/2023 16:47

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long xuất hiện gần 100 điểm sạt lở lớn, nhỏ, riêng huyện Trà Ôn có 72 điểm. Ước tính các vụ sạt lở này đã gây thiệt hại trên 7 tỉ đồng.

Sống trong lo sợ

Trước tình hình sạt lở ngày càng nhiều và ở những điểm từng sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, người dân sinh sống ở những điểm này ra lo lắng, tự ứng phó bằng nhiều cách để tránh tình trạng xấu diễn ra.

Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long xảy ra gần 100 vụ sạt lở bờ sông. Ảnh: Hoàng Lộc

Như trường hợp nhà của ông Văn Hiền ở ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vừa xảy ra sạt lở nghiêm trọng, ngôi nhà tường 1 lầu đã bị dòng sông “nuốt trọn”.

Ông Hiền kể lại trong nỗi sợ hãi: “Tối ngày 8.6, nhà tôi và mấy nhà liền kề bị nứt một đường lớn. Chúng tôi đã báo với xã để có hướng giải quyết. Trước tiên, những gia đình ở đây đã di dời tài sản gửi nhà người thân và đi ở nhờ điểm Trường THCS Tích Thiện chứ không dám ở lại nhà mình”.

Ông Hiền cho biết thêm, sinh sống ở bờ sông cũng lo sợ, nhưng sợ hơn khi thấy tình hình sạt lở ngày càng nhiều. Không phải chỉ ở sông lớn, kể cả những con sông nhỏ cũng lở làm mất tài sản, nhà cửa, đường đi ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân.

Tình hình lún đất làm nguy cơ sạt lở xảy ra cao. Ảnh: Hoàng Lộc

Còn trường hợp của nhà bà Đinh Thị Thiệp ở đê bao sông Cái Cao qua địa phận ấp Phú Thạnh, xã Phú Đức, huyện Long Hồ, phải đi ngủ nhà người thân hàng đêm từ hơn 20 ngày qua.

Bà Thiệp cho biết, không chỉ đi ngủ nhờ mà xe gắn máy, tài sản có giá trị cũng đã gửi hết chứ không dám để ở nhà vì đoạn nhà bà ở từng sạt lở năm 2019 và đã được gia cố lại nhưng hiện nay sụp lún gần 1m mất cả lối chạy xe vào nhà.

“Đã từng gia cố, nhưng vẫn bị sụp lún, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Tôi và hàng chục hộ dân ở đây rất lo lắng, mong cơ quan chức năng sớm gia cố để trả lại lối đi vào nhà và được an tâm sinh sống ở đây”, bà Thiệp cho biết thêm.

Sạt lở do nhiều nguyên nhân

Ngày 19.6, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh Vĩnh Long cho biết, tình hình sạt lở từ đầu năm 2023 đến nay là trên 80 điểm có chiều dài trên 15m, nếu tính cả phần sạt lở dưới 15m là gần 100 vụ sạt lở. Trường hợp sạt dưới 15m xảy ra nhiều ở huyện Trà Ôn.

Nuôi, thả lục bình cặp mé sông góp phần tạo phù sa bồi đắp mé sông. Ảnh: Hoàng Lộc

Theo ông Lưu Nhuận, sạt lở có nhiều nguyên nhân, như do tác động của con người dẫn đến thiếu lượng phù sa bồi đắp các bờ sông bị giảm, công tác quản lý xây dựng chưa chặt còn để xây dựng nhà ở cặp các mé sông làm tăng trọng tải nên dễ dẫn đến sạt lở. Đầu mùa mưa sự chênh lệch cột nước cao nên việc sạt lở cũng một phần do nguyên nhân này...

Bà con ở các điểm sạt lở cho biết trước khi xảy ra sạt lở thường có những hiện tượng khác thường như xuất hiện tình trạng sụp, lún, nứt đất và lòng sông xuất hiện nhiều bọt nước. “Khi xuất hiện các trường hợp trên bà con nhanh chóng báo chính quyền địa phương cũng như chủ động di dời tài sản đến nơi an toàn”, ông Nhuận khuyến cáo người dân.

Cũng theo ông Nhuận người dân hạn chế trồng các loại cây ăn trái, xây dựng nhà ở tại các mé sông khi chưa được cho phép nó sẽ làm tăng trọng tải lớp đất ở đây.

Người dân nên nuôi, thả lục bình cặp mé sông vừa tạo thêm thu nhập vừa tạo phù sa bồi lắng tại nơi đây góp phần bảo vệ bờ sông tránh tình trạng sạt lở xảy ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn