MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xe buýt. Ảnh: Phạm Đông

Gần 100% xe buýt đạt chất lượng 5 sao: Nhìn nhận đúng thực tế để phát triển

PHẠM ĐÔNG LDO | 09/04/2023 10:00

Theo các chuyên gia, muốn xe buýt Hà Nội thu hút và giữ chân khách hàng, cần phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời nâng tầm văn hóa phục vụ của xe buýt để người dân có thể yên tâm và tin tưởng sử dụng nhiều hơn.

Thay thế xe cũ, dần chuyển sang xe điện

Như Lao Động đã thông tin, mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội công bố kết quả đánh giá hoạt động năm 2022 với gần 99,1% lượt xe buýt được chấm điểm 5 sao.

Trước thông tin trên, nhiều người tỏ ra bất ngờ và cho rằng đánh giá này chưa thỏa đáng. Nguyên nhân chính khiến khách hàng tỏ ra bất ngờ với đánh giá trên là do chất lượng xe buýt, chưa bảo đảm thời gian di chuyển, hạ tầng giao thông tiếp cận xe buýt chưa thuận lợi và thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt có nơi, có lúc chưa đúng mực...

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho hay, để nói về hoạt động giao thông công cộng của Hà Nội hiện nay, xe buýt vẫn là chính.

Không thể phủ nhận những đóng góp của xe buýt trong mạng lưới giao thông hiện nay. Tuy nhiên, nếu nói gần 100% xe được chấm 5 sao là đánh giá chưa thực tế.

Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt, ông Tạo cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá thực chất nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đặc biệt, cần làm thêm đường cho xe buýt chạy, đường BRT cũng là vẽ trên con đường Hà Nội đã có nên chưa mang lại hiệu quả.

Hơn nữa, các đơn vị chức năng cần nâng cao chất lượng của phương tiện, thay thế các chủng loại xe có yếu tố bảo vệ môi trường, như xe buýt điện.

Xe quá cũ có thể đổi xe mới, cỡ xe cũng cần điều chỉnh để có thể đi vào đường nhỏ, ngõ phố để mạng lưới xe buýt có thể phủ rộng khắp. Đồng thời cũng cần mở rộng hạ tầng bảo đảm cho xe buýt di chuyển, tạo thêm nhiều tuyến xe buýt nữa.

“Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng điều hành, từng bước ứng dụng thêm công nghệ kỹ thuật số. Yếu tố con người, tập trung vào công tác đào tạo, giáo dục đội ngũ lái xe, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý doanh nghiệp, quản lý nhà nước trong lĩnh vực xe buýt”, ông Tạo nhấn mạnh. 

Xe buýt có vai trò quan trọng trong vận tải khách công cộng. Ảnh: Phạm Đông

Không trợ giá tràn lan

Còn chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc quy hoạch xe buýt hiện nay chưa được tốt.

Dù mạng lưới phủ đều nhưng tuyến đông người đi lại không đủ xe, tuyến ít người đi lại nhiều xe, nhiều xe trống, chỉ khoảng 20-30% khách sẽ rất lãng phí. 

Thứ nhất, theo ông Thủy, cần quy hoạch lại các tuyến tránh tình trạng lãng phí, có tuyến đông, có tuyến ít khách.

Thứ hai, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện nghi hơn, đi đúng giờ...

Thứ ba, cải tiến lại xe buýt, không để sập xệ, xe chạy không êm và xả khói đen trên đường.

Thứ tư, trung tâm xe buýt cần có những lớp đào tạo đối với lái xe và phụ xe về nghiệp vụ, phục vụ và thái độ văn minh, văn hóa.

Không để xảy ra tình trạng chạy ẩu, không an toàn, quát mắng hành khách trên xe, nhất là với người lớn tuổi.

Thứ năm, các trạm dừng nghỉ cũng cần được cải thiện cho tốt hơn, nhiều trạm đỗ xe buýt không có mái che, thiết bị rất đơn sơ, thành nơi tập kết rác, quảng cáo, bán hàng.

Do vậy, những người quản lý xe buýt phải thường xuyên kiểm tra, quản lý, bảo dưỡng, nâng cấp trạm xe buýt.

Ông Thủy cũng cho biết, việc quản lý tiền trợ giá xe buýt phải được chú ý, nhiều người dân phản ánh lại, việc trợ giá xe buýt hiện nay nhiều chỗ không đúng đối tượng.

Cần phải đặt ra nguyên tắc, xe buýt nào chạy tốt, đúng giờ thì được trợ giá. Còn xe nào chạy ẩu, không đúng giờ, thái độ không tốt với hành khách thì không được trợ giá, không để trợ giá tràn lan.

Và việc quản lý tiền trợ giá phải có cơ chế, không được quản lý lỏng lẻo. Vé bán phải chính xác, phải có kiểm tra, tránh để xảy ra lộn xộn, làm ít báo cáo nhiều và có dấu hiệu lợi ích nhóm.

Theo Tổng giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Thanh Nam, thời gian qua đơn vị đã nâng cao chất lượng đoàn phương tiện, chất lượng dịch vụ.

Tất cả các phương tiện sử dụng trên 10 năm đều được thay thế đúng thời hạn và tuân thủ đúng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải. 

Hiện nay tổng công ty khoảng 1.100 xe buýt các loại, với tuổi phương tiện bình quân khoảng 5 năm. Giai đoạn từ 2016 đến nay, đơn vị đã tập trung nguồn lực đầu tư thay mới trên 600 xe buýt tiêu chuẩn khí thải EURO 4.

Theo thống kê của các ngành chức năng, mạng lưới xe buýt của Hà Nội đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 510/579 số xã, phường thị trấn (đạt 88,4%); 65/75 bệnh viện đạt 87%; tiếp cận 100% khu công nghiệp lớn (27/27 khu công nghiệp)...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn