MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một diện tích đất rừng được trồng rừng sản xuất theo dạng liên doanh với doanh nghiệp tại huyện Vĩnh Linh. Ảnh: Hưng Thơ.

Gần 1.000 ha đất rừng liên doanh trồng rừng sai quy định ở Quảng Trị

HƯNG THƠ LDO | 13/03/2024 17:05

Từ năm 2016 đến 2020, tại tỉnh Quảng Trị có gần 1.000 ha đất được trồng rừng sản xuất theo dạng liên doanh giữa chủ rừng và doanh nghiệp sai quy định. ​​​​​Ngày 13.3, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, đã giao các đơn vị liên quan tham mưu việc chấm dứt các hợp đồng liên doanh sai quy định này.​​​​

Giao đất cho doanh nghiệp trồng rừng rồi chia lợi nhuận

Trước đó, vào năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (trụ sở tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai trồng hơn 600 ha rừng sản xuất.

Theo hợp đồng ký kết, 600 ha đất rừng thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải sẽ giao cho các doanh nghiệp khai hoang, mở đường rồi trồng cây. Kinh phí khai hoang, làm đường, trồng và chăm sóc cây do doanh nghiệp bỏ ra.

Đến khi khai thác, lợi nhuận sẽ được chia theo tỉ lệ doanh nghiệp 70%, ban quản lý rừng 30%, và doanh nghiệp sẽ được trồng cây trên đất 3 chu kỳ.

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết, các đơn vị liên doanh đã triển khai các công việc như hợp đồng. Sau khi trồng cây ở chu kỳ đầu tiên, đến thời điểm này các đơn vị đang khai thác hoặc chuẩn bị khai thác cây.

Ở chu kỳ đầu, thì lợi nhuận sẽ thấp, vì trước đó doanh nghiệp phải bỏ tiền ra khai hoang, làm đường. Từ chu kỳ thứ 2 thì lợi nhuận sẽ ổn định hơn, vì đất đai ổn định, đường sá cũng thuận lợi.

Tương tự, ở Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, năm 2020, đơn vị này liên doanh trồng rừng sản xuất trên diện tích khoảng 367 ha. Theo hợp đồng, với đơn vị trồng rừng gỗ lớn thì sẽ triển khai trồng 2 chu kỳ (21 năm), còn trồng rừng để làm gỗ dăm thì kéo dài 3 chu kỳ (21 năm). Việc chia lợi nhuận cũng tương tự, chủ rừng 30% và đơn vị liên doanh 70%.

Tuy nhiên, vào tháng 10.2023, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị có kết luận về giám sát công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2022, thì phát hiện việc liên doanh trồng rừng sản xuất từ năm 2016-2020 ở 2 đơn vị trên sai quy định.

Sẽ chấm dứt các hợp đồng liên doanh trồng rừng không đúng quy định

Tìm hiểu của PV báo Lao Động cho thấy, theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản công, thì việc lấy đất rừng để liên doanh, liên kết trồng rừng nói trên phải làm hợp đồng thuê đất trả tiền 1 lần. Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện không phải lấy từ ngân sách nhà nước, và đơn vị thực hiện là đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên.

Một diện tích rừng trồng theo dạng liên doanh ở Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn. Ảnh: Hưng Thơ.

Về vấn đề này, ngày 13.3, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý, chấm dứt các hợp đồng liên doanh trồng rừng sản xuất từ năm 2016-2020 theo quy định tại khoản 5, Điều 136, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn khẩn trương xây dựng phương án liên doanh, liên kết phù hợp với các quy định của pháp luật để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

“Trước tiên là chấm dứt các hợp đồng liên doanh trồng rừng không đúng quy định cũng như xử lý tài sản khi chấm dứt hợp đồng với các đối tượng liên doanh trồng rừng sản xuất. Tiếp đó, sẽ hướng dẫn các đơn vị xây dựng và thẩm định, trình phê duyệt phương án liên doanh, liên kết phù hợp với các quy định của pháp luật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện để tạo nguồn thu ổn định cho các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên, giảm áp lực cho ngân sách” - ông Hà Sỹ Đồng thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn