MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình hình lao động việc làm có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Gần 1.800 người được đào tạo, nâng cao tay nghề

ANH THƯ LDO | 20/10/2021 09:00

Sau hơn ba tháng triển khai nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đã có gần 1.800 người được đào tạo, nâng cao tay nghề.

Các mức hỗ trợ cụ thể

Theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định.

Để chuẩn bị hàng hoá phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm, nhu cầu tuyển dụng doanh nghiệp sẽ càng cao trong những tháng tới. Ảnh: Hải Nguyễn

Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động mỗi tháng và thời gian hỗ trợ tối đa sáu tháng. Thời điểm người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.6.2022. Nguồn kinh phí được sử dụng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với ngân sách ước tính là khoảng 4.500 tỷ đồng.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Gói hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đây cũng là một chính sách hỗ trợ có diện bao phủ lớn, với gần 13 triệu người lao động, 386 nghìn doanh nghiệp được thụ hưởng lợi ích.

Tính đến hết ngày 18.10, các địa phương trên cả nước đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho 1,51 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 200 nghìn người đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới 4.087 tỷ đồng.

Hỗ trợ học nghề mức cao - nâng cao chất lượng lao động, giải quyết vấn đề việc làm

Chất lượng lao động là yếu tố cơ bản dẫn đến thất nghiệp. Nhiều trường hợp người lao động không có tay nghề hoặc tay nghề còn chưa cao chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 tình hình thất nghiệp ở nước ta có xu hướng tăng cao.

Trong bối cảnh đó, chính sách hỗ trợ học nghề nâng cao chất lượng lao động giải quyết vấn đề việc làm trở nên cấp bách. Ngoài ra, hỗ trợ học nghề còn đóng góp vào sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề việc làm giúp người lao động tìm được những công việc phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Hàng năm, với đặc điểm thâm dụng lao động, ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện thường là những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn lao động. Ảnh: Hải Nguyễn

Căn cứ theo quy định Khoản 1, Điều 3, Quyết định 17/2021/QĐ-TTg mức hỗ trợ đối với người tham gia BHTN đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề như sau: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng.

Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/ người/tháng đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng. 

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn