MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, nay được chuyển cho Trung tâm chính trị huyện Trà Bồng tiếp quản và sử dụng, nhưng ký túc xá vẫn đang bỏ hoang. Ảnh: Ngọc Viên

Gần 27 tỉ đồng khó giải ngân vì không có người học nghề

VIÊN NGUYỄN LDO | 27/12/2023 06:00

Quảng Ngãi - Không giải ngân được tiền do Nhà nước bố trí để triển khai công tác đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm, nhiều huyện miền núi ở Quảng Ngãi xin trả lại gần 27 tỉ đồng.

Học xong nghề xong chẳng biết xin việc ở đâu

Thực hiện chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động miền núi, năm 2022-2023, huyện Sơn Hà và Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi được bố trí 31,2 tỉ đồng. Sau thời gian thực hiện, huyện Sơn Hà chưa tổ chức được lớp đào tạo nghề, còn huyện Trà Bồng đào tạo 8 lớp với 160 học viên.

Cả hai huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi chỉ giải ngân 2,6 tỉ đồng, nên xin trả lại 28,6 tỉ đồng và liên tục xin điều chỉnh giảm nguồn vốn cho những năm tới.

Không chỉ ở các huyện miền núi, cơ quan chuyên môn thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động miền núi cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ năm 2022 đến nay, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi được bố trí gần 5 tỉ đồng để đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho lao động miền núi, nhưng đến tháng 10.2023, Sở LĐTBXH tỉnh chỉ thực hiện công tác đào tạo nghề với kinh phí 330 triệu đồng và xin giảm 3,9 tỉ đồng của kế hoạch thực hiện hai năm qua.

Không tìm ra được người học, Trung tâm dạy nghề huyện Sơn Hà nay được chuyển giao cho Ủy ban nhân dân thị trấn Di Lăng tiếp quản, sử dụng. Ảnh: Ngọc Viên

Nguyên nhân công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở miền núi gặp khó là do nhu cầu học nghề ít, người học không mặn mà khi thời gian học kéo dài 3 tháng, nhưng họ chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng/người/ngày, cùng với đó sau khi hoàn thành khoá học 3 tháng, cũng chẳng biết xin việc ở đâu.

Chia sẻ thông tin với phóng viên Báo Lao Động, ông Từ Thanh Kiều - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Sơn Hà cho biết, từ năm 2022 đến nay, phòng chưa tổ chức được các lớp đào tạo nghề. Đơn vị không có chuyên môn mở lớp, trung tâm đào tạo nghề đã giải thể nên gặp nhiều khó khăn. Chỉ tiêu đào tạo nghề cho hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 400 lao động, tương đương một cơ sở đào tạo nghề, số lượng quá lớn không thể đảm đương.

Bên cạnh đó, các huyện miền núi thực hiện cùng lúc công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cả hai chương trình có nguồn vốn lớn, đều liên quan đến đào tạo nghề, cho nên nhiều địa phương không thể thực hiện song song.

Không tìm ra giải pháp

Hiện nay tại các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Ngãi, có nhiều trường nghề đã giải thể vì hoạt động không hiệu quả, không còn nơi đào tạo nghề cho lao động địa phương. Do không có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên nhiều huyện miền núi phải liên kết các trường dạy nghề với chi phí đào tạo cao, trong khi đó định mức dạy nghề của chương trình thấp nên khó thực hiện.

Thiếu trường dạy các ngành nghề chuyên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, trồng trọt chăn nuôi, thú y, cho nên phần lớn nguồn kinh phí này chỉ thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới ba tháng và một số hoạt động truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm.

Ký túc xá Trung tâm dạy nghề huyện Trà Bồng bị bỏ hoang nhiều năm qua, gây lãng phí lớn. Ảnh: Ngọc Viên

Chia sẻ thông tin với phóng viên Báo Lao Động, ông Huỳnh Việt Hùng - Trưởng Phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp - Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay các trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các huyện đã giải thể dẫn đến khó khăn khi đào tạo nghề cho người dân ở miền núi. Nguồn kinh phí về đào tạo nghề cấp cho sở, huyện cùng thực hiện nên việc triển khai đặt hàng đào tạo nghề đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhập nhằn, nên khó giải ngân kinh phí đã được cấp.

Ngoài ra số tiền hỗ trợ cho học viên tham gia học nghề còn quá thấp. “Mỗi ngày đi học, học viên chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng, nếu đi làm công việc khác thì họ có thu nhập trên 300.000 đồng mỗi ngày, nên người dân không thiết tha với việc học nghề. Họ không học, thì kinh phí được Nhà nước bố trí cũng bí đường giải ngân”- ông Hùng bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn