MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế trả lời phóng viên báo chí. Ảnh Trần Vương

Gần 400 hộ dân thuộc dự án Mường Thanh bị thu hồi sổ đỏ, Bộ Tư pháp nói gì?

Vương Trần LDO | 30/07/2019 17:18

Đại diện Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng cần có sự phân biệt tách bạch giữa quyền sở hữu của người mua nhà và trách nhiệm pháp lý của người có hành vi vi phạm trong việc thu hồi sổ đỏ của các hộ dân tại dự án của Mường Thanh.

Chiều 30.7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo công tác tư pháp Quý II năm 2019. Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.

Tại đây, nhiều phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi liên quan tới việc thu hồi các sổ đỏ của người dân đã mua nhà trong dự án của ông Lê Thanh Thản tại Hà Nội.

Việc này thuộc thẩm quyền của đơn vị nào? Đã có nhiều trường hợp người dân đã bị thu hồi sổ đỏ, việc giải quyết thu hồi nếu không đúng thì người dân phải làm gì?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) cho hay: Chúng tôi thấy rằng, việc giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà và các tài sản gắn liền với đất của người mua nhà tại dự án do ông Lê Thanh Thản làm chủ dự án thì trách nhiệm chính của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh họp báo. Ảnh T.Vương

Theo đại diện Bộ Tư pháp, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc thu hồi phải có những căn cứ pháp lý. Ví dụ như Điều 106, Luật đất đai 2013 có quy định: Giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích sử dụng được cấp, không đúng điều kiện được cấp… Tức là có căn cứ pháp lý đúng quy định của luật đất đai thì mới được thu hồi.

Về thẩm quyền thu hồi, theo quy định của Điều 105, cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là ai có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thì cơ quan đó có thẩm quyền thu hồi lại giấy chứng nhận đó. Tuy nhiên, việc thu hồi phải đáp ứng được các quy định như đã nói ở trên.

"Cụ thể vào trường hợp của dự án Mường Thanh, chúng tôi cho rằng cần có sự phân biệt tách bạch giữa quyền sở hữu của người mua nhà và trách nhiệm pháp lý của người có hành vi vi phạm" - ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, theo quy định của luật dân sự, trường hợp người mua nhà, đất trên cơ sở người bán (chủ dự án) đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép người ta thực hiện dự án đó thì như vậy sau khi quyết định đó có vấn đề, bị sửa đổi bổ sung thì không ảnh hưởng gì tới quyền của người đã mua nhà đã được cấp giấy.

Về việc, hiện nay có gần 400 sổ đỏ được thu hồi, khi thu hồi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi chắc chắn phải có quyết định hành chính. Theo quy định hiện hành, nếu quyết định hành chính không đúng, người dân có thể khiếu nại, khiếu kiện và thậm chí khởi kiện hành chính về hành vi đó. Như vậy nếu thu hồi không đúng thì phải trả lại cho người dân, thậm chí có thể phải bồi thường trong trường hợp gây ra thiệt hại cho người dân.

Trước đó như Lao Động đã thông tin, sau khi Công an Hà Nội khởi tố ông Lê Thanh Thản vì hành vi “lừa dối khách hàng”, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành thu sổ hồng của hơn trăm căn hộ trong một số dự án phát triển nhà ở các chung cư do Tập đoàn Mường Thanh xây dựng tại TP Hà Nội khiến nhiều người mua nhà trong các khu vực này hoang mang, lo lắng.

Ngay lập tức, ngày 19.7, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu TP Hà Nội dừng thu hồi sổ hồng của cư dân tại các chung cư Mường Thanh, đồng thời đề nghị thanh tra, xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý có liên quan đã để xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư, xây dựng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn