MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phối cảnh dự án "Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ".

Gần 480 tỉ đồng nâng tầm cụm di tích có núi Bài Thơ nổi tiếng thế giới

Nguyễn Hùng LDO | 03/04/2024 16:06

Quảng Ninh - Sáng nay (3.4), TP Hạ Long tiến hành khởi công công dự án “Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật khu văn hoá núi Bài Thơ”, “Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn” và “Công viên, cây xanh từ khu vực đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đến cầu Bài Thơ”.

Trong đó, dự án “Quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hoá núi Bài Thơ” có quy mô diện tích gần 1,2ha, bao gồm các hạng mục chính: Công trình kiến trúc (lầu bát giác, nhà vệ sinh ngầm, nhà dịch vụ); cây xanh, kè; sân, đường giao thông, bậc lên xuống...

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 213 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 154 tỉ đồng. Đến nay đã có 11/37 hộ dân và 3/5 tổ chức nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng sớm cho thành phố triển khai thực hiện dự án.

Phối cảnh dự án “Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn”. Ảnh: Nguyễn Hùng

Dự án “Công viên, cây xanh từ khu vực đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đến cầu Bài Thơ” có tổng diện tích hơn 8.577m2. Dự án gồm các hạng mục chính: Nhà vệ sinh, nhà dịch vụ, cây xanh, cảnh quan, sân, đường giao thông… Tổng mức đầu tư khoảng 239 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 223 tỉ đồng; chi phí xây dựng 12,4 tỉ.

Riêng dự án “Mở rộng, tu bổ, tôn tạo đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn” được thực hiện bằng nguồn tiền công đức và các khoản huy động xã hội hóa hợp pháp khác. Việc tu bổ, tôn tạo sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc tôn trọng tổng thể cũ với các yếu tố về ranh giới, vị trí các di tích gốc, không gian cảnh quan kiến trúc.

Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân đã lên tới trên 27,3 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, các dự án trên sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm 2025.

Sau khi hoàn thành, các công trình trên sẽ góp phần phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích núi Bài Thơ, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực, tạo điểm tham quan du lịch, văn hóa tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương.

Núi Bài Thơ về đêm. Ảnh: Nguyễn Hùng

Từ lâu núi Bài Thơ luôn là điểm được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Ngọn núi đặc biệt này không chỉ mang đậm những dấu ấn văn hóa, lịch sử, cách mạng trải dài hàng nghìn năm, mà là điểm khám phá, check-in từ trên đỉnh núi.

Ngọn núi này xưa có tên là “Truyền đăng”, sau mang tên “Bài Thơ” vì có nhiều bài thơ được các bậc tiền nhân cho khắc trên vách núi và hiện vẫn còn. Trong đó, nổi bật nhất là bài thơ của vua Lê Thánh Tông, được nhà vua cho khắc vào năm 1468 trong một lần đi tuần qua đây.

261 năm sau, vào năm 1729, chúa An Đô Vương Trịnh Cương - một nhà thơ nổi tiếng thời Lê - Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua đây. Đọc thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú, lấy theo vần "yên" của bài trước, dùng lại 4 chữ "thiên" "quyền" "yêu" "niên" trong bài của Lê Thánh Tông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn