MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đạt được những kết quả khích lệ nhưng lộ trình xây dựng NTM ở khu vực miền núi Quảng Nam vẫn còn lắm gian nan. Ảnh: Hoàng Bin

Gần 90 xã ở Quảng Nam rớt chuẩn nông thôn mới

Hoàng Bin LDO | 24/01/2024 10:28

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tại Quảng Nam đang bộc lộ nhiều bất cập khi có đến 89 xã rớt chuẩn NTM theo quy định mới, một số tiêu chí bắt buộc của chương trình cũng không phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Nông thôn mới đã “cũ”

Đến cuối năm 2023, Quảng Nam có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỉ lệ đạt 22,2%, 130/193 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 67,3%; 20 xã đạt chuẩn nâng cao và 2 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; 294 thôn đã được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của một xã trên toàn tỉnh là 16,42/19 tiêu chí, tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022.

Tuy nhiên, việc xây dựng NTM ở các địa phương trên toàn tỉnh không bền vững, khi có đến 89/117 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 trở về trước không duy trì chuẩn theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025. Không chỉ rớt chuẩn do một số chỉ tiêu, tiêu chí thêm mới mà rớt cả tiêu chí đang duy trì và nâng chuẩn.

Lý giải tình trạng rớt chuẩn, theo UBND tỉnh Quảng Nam, bộ tiêu chí mới tăng thêm nhiều chỉ tiêu, quy định mức độ đạt chuẩn cao hơn, khiến các địa phương không duy trì đạt chuẩn các tiêu chí.

Một số xã miền núi, sau khi đạt chuẩn NTM thì không còn thuộc đối tượng xã khó khăn khu vực 1 nên sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, chế độ cho sinh viên...), trong khi đó điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn đến giảm gần 50% chỉ tiêu đạt chuẩn so với trước đó.

Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu trong xây dựng NTM, nhất là mục tiêu xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu. Tính đến ngày 28.12.2023, tổng số vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân là hơn 339/603,9 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 56,1%).

Thực tế, Bộ Tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu không phù hợp với điều kiện của tỉnh (như hỏa táng, nước sạch từ công trình tập trung, khám bệnh từ xa… Nhà tang lễ TP Tam Kỳ được xây dựng từ năm 2013, với kinh phí hơn 10 tỉ đồng, là tiêu chí bắt buộc để thành phố này đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Tuy nhiên, từ khi xây dựng đến nay chỉ có vài lần tổ chức tang lễ cho người dân, còn lại gần như bỏ hoang.

Còn nhiều khó khăn

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất 154/193 xã đạt chuẩn NTM, 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 8-9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng khi hầu hết xã rớt chuẩn và chưa đạt chuẩn NTM thuộc khu vực miền núi. Trong khi đó, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 được nâng lên cao, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của nhóm xã miền núi chưa đạt chuẩn chỉ khoảng 30 triệu đồng/năm. So với yêu cầu phải đạt mức thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng/năm, mỗi năm phải tăng 9 triệu đồng/người là mục tiêu gần như không thể thực hiện.

Bởi kết quả xây dựng NTM nhưng chưa thật sự bền vững; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân chỉ tạm thời nâng cao so với trước, dễ bị ảnh hưởng trước tác động dù nhỏ. Chưa kể tỉ lệ hộ nghèo của nhóm xã miễn núi còn khá cao, bình quân chiếm khoảng 40%.

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ ra số nợ xây dựng cơ bản giai đoạn 2021-2023 của chương trình NTM còn cao, ở cấp huyện nợ hơn 366 tỉ đồng, cấp xã nợ 78,8 tỉ đồng và huy động khác hơn 13 tỉ đồng.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện xây dựng NTM (2021 - 2023), ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 chủ yếu dồn vào thực hiện ở 2 năm 2024 - 2025 với tổng vốn xây dựng NTM hơn 1.337 tỉ đồng nên khối lượng công trình, dự án, phần việc cần phải làm rất lớn và khó khăn.

“Xây dựng NTM là để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nên NTM phải được xây từ chính sức dân; nền tảng NTM phải từ nội lực của địa phương, không chỉ biết dựa vào kinh phí phân bổ của cấp trên. Do đó, vừa phải thực hiện đảm bảo mục tiêu Trung ương, tỉnh giao mà vừa xây dựng NTM không chạy theo thành tích là một vấn đề cần bàn kỹ để có giải pháp xây dựng NTM thực chất” - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn