MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Hà Anh Chiến

Gần 920 tỉ đồng hỗ trợ 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng

HÀ ANH CHIẾN LDO | 22/04/2020 16:02
Mới đây, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai đã họp bàn các giải pháp để hỗ trợ người lao động và các đối tượng chính sách khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

NLĐ, doanh nghiệp bị ảnh hưởng đều được hỗ trợ

Hiện nay, do ảnh hưởng của COVID-19, tại tỉnh Đồng Nai, hàng chục nghìn người lao động (NLĐ) bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, tạm hoãn hợp đồng… khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều LĐ tự do, đối tượng chính sách cũng chung hoàn cảnh tương tự.

Trước thực trạng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Đồng Nai đã đưa ra báo cáo về nhu cầu hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Vũ Hoài Hạ - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai - cho biết, theo báo cáo đề xuất của các ngành và đơn vị, tổng số kinh phí từ nguồn ngân sách dự kiến phải hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh gần 920 tỉ đồng. Trong đó, 122,8 tỉ đồng doanh nghiệp (DN) sẽ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cụ thể, đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 31.500 NLĐ thuộc diện phải tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do DN gặp khó khăn. Tổng kinh phí hỗ trợ cho đối tượng này dự kiến khoảng hơn 170 tỉ đồng, với mức hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ theo thời gian tạm nghỉ thực tế và không quá 3 tháng.

Về NLĐ bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm có khoảng 117.600 người cần hỗ trợ, với tổng kinh phí dự kiến 352,8 tỉ đồng, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6.2020.

Toàn tỉnh cũng có khoảng 55 DN cần hỗ trợ, với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 122,8 tỉ đồng. Đây là các DN có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc. 

Ngoài ra, thống kê của các sở ngành, với đối tượng là người có công với cách mạng, người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng có khoảng 13.330 người, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng, áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6.2020. Dự kiến, tổng kinh phí khoảng 20 tỉ đồng. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại tỉnh có khoảng 83.000 người với tổng kinh phí dự kiến là 124,5 tỉ đồng, được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6.2020 và được chi trả 1 lần. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, toàn tỉnh có khoảng 38.500 hộ cần hỗ trợ, mức hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng, thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, dự kiến tổng kinh phí khoảng 29 tỉ đồng. 

Về hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1.4, có khoảng 32.674 hộ cần hỗ trợ, với tổng kinh phí 98 tỉ đồng, mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng tùy tình hình thực tế.

Rà soát kỹ, khẩn trương hỗ trợ các đối tượng khó khăn

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị, trong số 7 nhóm đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, có một số đối tượng đang được cơ quan chức năng quản lý như: Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia thì sớm triển khai các biện pháp hỗ trợ.

Với 2 nhóm đối tượng là: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1.4; NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các cấp rà soát kỹ, chờ hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành Trung ương để triển khai hỗ trợ đúng đối tượng.

Ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Đồng Nai - cho rằng, những trường hợp cấp bách như hộ nghèo, hộ cận nghèo cần vay vốn để sản xuất, làm ăn; NLĐ bị mất việc làm cần giải quyết chế độ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kịp thời giải quyết.

Ngoài ra, các ngành chức năng trong tỉnh phải rà soát thật kỹ những đối tượng thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ để hỗ trợ đúng người, tránh trùng lặp, tránh bỏ sót đối tượng nhưng cũng không để xảy ra thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn