MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Gánh nặng chi phí sinh hoạt đè lên công nhân nhà trọ

Bảo Hân LDO | 02/11/2021 06:30
Cùng với tiền thuê nhà, gánh nặng tiền điện, thực phẩm, xăng xe đi lại… luôn là nỗi “đau đầu” thường trực của công nhân thuê trọ. Khi thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công nhân càng khó khăn hơn bao giờ hết...

Gánh nặng chi phí sinh hoạt 

Chị Văn Thị T. (quê Bắc Giang), đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị T. có máy giặt, tủ lạnh, điều hoà, quạt điện, không dùng bình nóng lạnh, bếp điện nhưng tháng 10.2021, chị T. phải trả hơn 500.000 đồng cho 130 số điện. “Đây là tháng cuối thu, thời tiết mát mẻ nên tiền điện còn “nhẹ”, còn những tháng mùa hè, dù ở một mình nhưng tôi phải chi hơn 700.000 đồng/tháng cho riêng tiền điện. Có tháng chồng con lên ở cùng, tôi trả hơn 1 triệu tiền điện, xót lắm”, chị T. nói. 

Theo chị T., sở dĩ chị phải chi trả số tiền khá lớn cho tiền điện là do không được hưởng giá điện sinh hoạt như những người dân khác. Hiện chị T. đang phải trả 3.000 đồng/số điện. Gần đây, khi giá xăng tăng kỷ lục, chị T. lại một phen hốt hoảng, thay vì tốn 65.000-70.000 đồng mỗi lần đổ xăng, chị nhẩm tính sẽ mất 90.000 đồng khi giá xăng tăng.

Ngoài tiền điện đắt đỏ, giá xăng tăng cao, chị T. còn thêm mệt mỏi vì những ngày này, giá rau tăng “chóng mặt”. “Trước đây mua rau ngót, rau cải chỉ 5.000 đồng/mớ, bây giờ đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Giá cả tăng cao trong khi thu nhập không tăng, áp lực gửi tiền về quê lo cho con ăn học... khiến chúng tôi phải tằn tiện chi tiêu, trang trải những khoản tối thiểu trong số tiền ít ỏi còn lại”, chị T. rầu rĩ nói.

“Kiếm đồng tiền khó quá!”

Anh Nguyễn Văn L. (trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) than thở khi rơi vào tình cảnh chật vật chưa từng thấy. Cách đây 5 tháng, anh L. bị mất việc. Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, anh L. gửi đơn xin việc ở nhiều nơi nhưng không được nhận. Không thể ở nhà mãi, anh L. đi làm shipper. “Đi làm shipper mới thấy kiếm được đồng tiền khó quá!”, anh L. than thở. Mới đây, anh L. được nhận vào làm việc tại một công ty gần nhà trọ, lương thử việc 4,5 triệu đồng/tháng; sau thử việc 5,5 triệu đồng/tháng. 

Thời gian vừa qua, chi tiêu, sinh hoạt của cả gia đình anh L. trông chờ vào thu nhập của vợ. Nếu tăng ca hết công suất, thu nhập của vợ anh được 14-15 triệu đồng/tháng; không tăng ca chỉ được 7-8 triệu đồng/tháng. Thương vợ, anh L. từng mày mò bán hàng online nhưng cũng không duy trì được.

Thu nhập đã eo hẹp, vợ chồng anh L. phải lo trang trải nhiều chi phí sinh hoạt, trong đó, gánh nặng tiền ăn, tiền điện “căng” nhất. “Mùa đông cả nhà tiết kiệm tối đa thì hết khoảng 200.000-300.000 đồng/tháng; mùa hè, nhà có con nhỏ phải thường xuyên bật điều hoà nên tốn cả triệu đồng. Mỗi lần thanh toán tiền điện xót ruột lắm, nhưng cũng không “cắt” điều hòa được. Chủ nhà trọ tính theo mặt bằng giá chung 3.000 đồng/số điện, mình thuê nhà thì phải chấp nhận” - anh L. cho hay. Ngoài tiền điện, anh L. bày tỏ lo lắng khi giá xăng, giá rau xanh tăng mạnh thời gian qua. Với công nhân, bất kỳ mặt hàng thiết yếu nào tăng cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Đặc biệt, gia đình thu nhập thấp, có con nhỏ như anh L. lại càng khốn khổ hơn.

Theo Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội, giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay được tính như sau: Bậc 1 (cho kWh từ 0-50) là 1.678 đồng/kWh; bậc 2 (cho kWh từ 51 - 100) là 1.734 đồng/kWh; bậc 3 (cho kWh từ 101 - 200) là 2.014 đồng/kWh; bậc 4 (cho kWh từ 201 - 300) là từ 2.536 đồng/kWh; bậc 5 (cho kWh từ 301-400) là 2.834 đồng/kWh; bậc 6 (cho kWh từ 401 trở lên) là 2.927 đồng/kWh. 

Đối với sinh viên và người lao động thuê nhà để ở: 

- Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ. 

- Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn; cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. 

Nghị định 134/ 2013/ NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm về sử dụng điện, tại Khoản 6, Điều 12 có quy định: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định cho trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt. Bên cạnh đó, toàn bộ số tiền chênh lệch với giá quy định sẽ buộc nộp ngân sách nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn