MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiếu thu phí xét nghiệm bệnh nhân phải chi trả như một loại "phí vào cửa" (trường hợp kết quả âm tính) để được vào trong bệnh viện khám chữa bệnh. Ảnh: Thế Lâm

Gánh nặng phí xét nghiệm COVID-19 khi bệnh nhân đến khám tại bệnh viện

THẾ LÂM LDO | 08/10/2021 11:27

Người dân khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện ở TPHCM hiện nay phải tự chi phí xét nghiệm nhanh COVID-19 với mức giá dao động từ 200.000-300.000 đồng. Một số bệnh viện cho rằng, đây là quy định bắt buộc nhằm sàng lọc theo điện khẩn số 628/CĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (ban hành từ ngày 10.5.2021).

Ai muốn khám bệnh cũng phải tốn “phí vào cửa”

Chị K.A ở quận 8 cho biết, do mẹ của chị bị bệnh sa sút trí tuệ nặng nên thuốc điều trị không thể tìm mua được ở bên ngoài, bắt buộc chị phải đến Bệnh viện Triều An mua (số 425 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM). Tuy nhiên để qua được cửa bệnh viện vào bên trong mua thuốc, chị phải xét nghiệm nhanh COVID-19 với mức giá 250.000 đồng. “Chỉ cần bước vào cửa bệnh viện thôi là phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19 rồi. Giá xét nghiệm là 250.000 đồng/người/lần” - chị K.A cho biết thêm.

Chị X cũng ở quận 8, vừa mới đây đưa mẹ vào khám tại Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 1 (số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5), cho biết: “Ai vào bệnh viện cũng phải xét nghiệm hết. Mỗi suất “ngoáy mũi” mỗi người tầm 300.000 đồng”. Hai mẹ con chị X tốn tầm 600.000 đồng chi phí xét nghiệm. Và theo chị X, kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị trong ngày.

Anh Th ở quận 4 mới đây ngày 5.10 đi khám tại Bệnh viện Đại học Y dược cở sở 2 (số 201 Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5). Phí xét nghiệm nhanh tại đây có mức giá 238.000 đồng. Anh Th đưa ra chứng nhận tiêm 2 mũi vaccine với mũi thứ 2 đã qua 14 ngày, thông tin khai báo y tế, di chuyển nội địa… Tuy nhiên, nhân viên bệnh viện trực ở phía trước cổng cho biết: “Các yếu tố này không có giá trị áp dụng cho bệnh nhân đến khám. Anh muốn test hay không thì tùy. Điều kiện để được vào khám là phải test và có kết quả âm tính”. Cũng theo anh Th, hầu hết bệnh nhân đến khám cũng như người thân đi cùng đều phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.

“Phí vào cổng” đè nặng lên người bệnh

Chị K.A bày tỏ rằng, chi phí xét nghiệm đang là gánh nặng đối với bệnh nhân khi bản thân mỗi người đến khám cũng như gia đình họ đã phải chịu rất nhiều chi phí như đi lại, tiềm khám, thuốc men… Cùng với đó, không ít bệnh nhân thuộc diện nghèo khó, điều trị dai dẳng. Thời gian qua, mỗi lần chị đưa mẹ đi khám, cả hai người đều phải xét nghiệm COVID-19, với mức giá 300.000 đồng/người/lần thì hai người muốn bước vào bên trong bệnh viện đã phải tốn 600.000 đồng. Theo chị K.A, giá xét nghiệm từ tháng 6.2021 đến gần đây đã tăng từ mức 250.000 đồng lên 300.000 đồng.

Trong khi đó, trường hợp hai mẹ con chị X, chi phí xét nghiệm tổng cộng khoảng 600.000 đồng, tiền khám 150.000 đồng cùng với tiền thuốc uống hai tuần chỉ gần 500.000 đồng. Tính ra, chi phí xét nghiệm gần bằng tiền khám và tiền thuốc cộng lại, đẩy chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân lên mức gấp đôi so với bình thường.

Anh Th kể thêm về sự “oái oăm” mà mình gặp phải khi khám theo bảo hiểm PVI. Anh xin bác sĩ ra toa thuốc 2 tuần nhằm tránh đi lại bệnh viện nhiều lần và tốn kém chi phí xét nghiệm. Bác sĩ đồng ý. Nhưng đến khi điều dưỡng nhập liệu trên máy tính lại nhầm lượng thuốc uống chỉ trong một tuần. Như vậy, nếu quay trở lại để tái khám sau một tuần anh Th vừa phải tốn công sức đi lại và xếp hàng chờ đợi, vừa phải tốn thêm một lần chi phí xét nghiệm là 238.000 đồng, khiến chi phí xét nghiệm của anh tăng lên gấp đôi thành 472.000 đồng chỉ trong vòng 8 ngày.

Trong tình hình mới, cần xem xét lại nội dung Điện khẩn số 628/CĐ-BCĐQG

Điện khẩn số 628/CĐ-BCĐQG của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ban hành ngày 10.5.2021 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát căng thẳng và phức tạp, trong khi tỉ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung còn rất thấp.

Sau gần 5 tháng, điện khẩn số 628/CĐ-BCĐQG có hiệu lực, diễn biến dịch tại TPHCM hiện nay đã và đang dần lắng xuống, tỉ lệ người dân tại TPHCM tiêm vaccine cũng đạt mức cao. Tính đến hết ngày 5.10, Tỉ lệ người trên 18 tuổi tại TPHCM đã tiêm mũi 1 là 97%; người tiêm đủ 2 mũi là 67%; người trên 65 tuổi được tiêm hai mũi là 71,1%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn