MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ một ốc đảo hoang vắng, lên bãi Nguyệt Bàn đã phát triển theo mô hình làm nông nghiệp sạch, mỗi năm thu lãi hàng tỉ đồng. Ảnh: PV

Gặp gỡ “chúa đảo” được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 22/01/2020 07:30

Vốn là một ốc đảo hoang vắng, lau sậy um tùm chẳng ai đặt chân tới, thế nhưng sau 12 năm bỏ phố lên bãi Nguyệt Bàn  (Bắc Ninh) lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Linh đã vươn lên phát triển kinh tế, được tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

12 năm làm “chúa đảo”

12 năm về trước, khi được chồng chở đi xem bãi Nguyệt Bàn (thuộc Xã Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh), trong trí nhớ của chị Hà Thị Tám, ốc đảo hoang vắng chẳng có gì ngoài cây lau sậy cao quá đầu người, nhìn là thấy sợ hãi.

Trước kia, khi chưa có con đường đất kết nối giữa đảo và đất liền, anh chị phải chèo đò bằng tay từ Hải Dương lên Bắc Ninh. Những năm đầu cắm dùi khai hoang, hễ cứ chuẩn bị đến kỳ thu hoạch là nước lũ tràn về ngập trắng băng, bao nhiêu công sức của anh chị cũng đổ sông đổ biển.

Con đường gập ghềnh đi vào bãi Nguyệt Bàn.

Với dáng người nhỏ thó, ấy vậy mà anh Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1975, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương)  cùng vợ trồng trọt trên diện tích rộng hơn 80 ha đất bãi.

Chia sẻ với Lao Động, anh Linh cho hay: “Thấy đất màu mỡ, bỏ hoang thì phí quá. Tôi giấu vợ bàn bạc với một người em hùn vốn lên bãi Nguyệt Bàn khởi nghiệp. Chạy vạy mãi thì nhờ được trưởng thôn mở cho cuộc họp thương thuyết với chủ đất về giá thuê.

Ngày đó vốn liếng không nhiều, tôi mua hai cái máy cày chở bằng phà qua sông, đi được một đoạn thì suýt lật. Công việc nhiều, chúng tôi phải thuê thêm nhân công trợ giúp công việc phát cỏ, san lấp mặt bằng trên bãi để đỡ vất vả hơn”.

Cánh đồng cà rốt xanh ngát, trù phú mà vợ chồng anh Linh đã bỏ nhiều công sức gieo trồng.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019

Những năm đầu do chưa nắm được kỹ thuật canh tác, nông sản nhà anh chị vừa mới gieo trồng chưa kịp thành hình, chỉ trong một đêm đã chìm ngập trong biển nước. Về sau, khi thời tiết suôn sẻ cộng với những kinh nghiệm từ lần thất bại trước, trang trại từng bước vận hành ổn định, cây trồng, vật nuôi phát triển tốt.

Anh Linh không ngại khó khăn, liên tục thử nghiệm các giống cây trồng mới cho năng suất cao.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khối lượng công việc của vợ chồng anh Linh làm không xuể. Cận Tết, nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng lên, được công ty và thương lái đến thu mua tận ruộng. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, các loại rau củ quả của gia đình anh Linh còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc với sản lượng lớn.

Anh Đỗ Văn Tuấn, đại diện Doanh nghiệp thực phẩm ILMI Hàn Quốc chia sẻ: “Ngày cày cuốc trên đồng, đêm về anh Linh còn chịu khó mày mò tìm hiểu, tranh thủ cắp sách theo học ở nhiều diễn đàn, lắng nghe các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc... để nâng cao bí kíp trồng trọt”.

Nhiều doanh nghiệp thực phẩm Hàn Quốc đã đến thăm quan nông trại của anh Linh để hợp tác, đầu tư sản xuất.

Theo anh Tuấn, từ ngày thành lập Hợp tác xã thì công việc của gia đình anh Linh có phần ổn định hơn, thu nhập đều đặn 5 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều bà con nông dân tại xã Cao Đức. Sản phẩm đạt chất lượng cao, nhiều tập đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã về đây tham quan, hợp tác, bao tiêu toàn bộ diện tích củ cải đường của các nông hộ trên bãi Nguyệt Bàn.

12 năm đi khai hoang, gia đình anh Nguyễn Văn Linh đã tạo việc làm cho gần 20 nhân công tại xã Cao Đức mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Với những nỗ lực của mình, năm 2019, anh Linh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019".

Với sự nỗ lực không ngừng, “chúa đảo”  (bên phải) đã được bình chọn là một trong 63 nông dân tiêu biểu của cả nước năm 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn