MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gặp gỡ cụ ông đầu tiên khai lập bản làng nơi biên giới

QUÁCH DU LDO | 31/01/2023 08:45

Thanh Hóa - Cách đây hơn 30 năm, người đàn ông dân tộc Mông (ở huyện Mường Lát) nghe theo tiếng gọi di dân, chuyển cả gia đình về nơi xa nhất, hun hút nhất của huyện Quan Sơn. Việc làm này được xem là “viên gạch” đặt nền móng cho việc lập nên bản Ché Lầu, xã Na Mèo ngày nay.

Khai phá bản Ché Lầu

Là những người đầu tiên di cư, lập nên bản Ché Lầu (ở xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) cụ Hơ Văn Di (74 tuổi) cho biết, năm 1992, nghe theo tiếng gọi di dân tự do đi làm kinh tế mới, ông đã đưa cả gia đình mình mang theo tất cả tài sản di cư từ huyện Mường Lát đến bản Ché Lầu (huyện Quan Sơn) để dựng nhà, phát nương làm rẫy và khai phá vùng đất mới.

Cụ Hơ Văn Di nhớ lại những ngày đầu tiên về khai phá, lập nên bản Ché Lầu ngày nay. Ảnh: Quách Du 

“Sang nơi ở mới khó khăn chồng chất khó khăn. Tại đây gần như hoang vu, không điện, không đường, không trường, không trạm. Mỗi lần muốn xuống trung tâm xã đều phải băng rừng, vượt suối khoảng một ngày mới tới nơi, phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng ngựa” - cụ Di chia sẻ.

Cũng theo cụ Di, sau khi gia đình ông đến khai phá, một thời gian sau có lác đác các hộ dân khác đến lập bản, sinh sống cùng. Thủa sơ khai cuộc sống ở nơi “thâm sơn cùng cốc” gặp muôn vàn khó khăn, thực phẩm chủ yếu là tự cung, tự cấp. Vậy nên đói nghèo cứ đeo đẳng đời này qua đời khác.

Dù khó khăn, heo hút, tuy nhiên nhiều người dân trong bản đã ngay lập tức bắt tay vào công cuộc khai phá đất đồi, rồi những con đường nhỏ chạy quanh bản cũng hình thành, tạo nên “hình hài” của bản làng nhỏ năm lọt thỏm giữa núi rừng bao la.

Bản Ché Lầu (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) ngày nay. Ảnh: Quách Du

“Các chú không tưởng tượng được đâu, ngày đó hoang vắng, hẻo lánh lắm. Ai ở đây cũng nghĩ sẽ bền bỉ với những cung đường mòn, đường trâu chạy chứ chẳng bao giờ nghĩ đến đường nhựa, đường bê tông vào bản. Rồi sau đó, không ai ngờ tới khi con đường từ trung tâm xã nối về bản bắt đầu hình thành, mọi người dân trong bản vỡ òa trong hạnh phúc” - cụ Di nhớ lại.

Con đường mùa xuân

Cũng theo cụ Di, khi con đường đất đá được mở rộng xuyên rừng, người dân bản Ché Lầu vui mừng, tích cóp sắm cho mình con xe máy để đi lại, thăm người thân, bạn bè ở các vùng lân cận.

Thời điểm khởi công, làm tuyến đường vào bản Ché Lầu. Ảnh: Quách Du

Chưa dừng lại ở đó, vào năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường từ bản Son đi bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (theo Chương trình 30a) có chiều dài hơn 5km, đổ bê tông với chiều rộng mặt đường 3,5m. Con đường được khởi công xây dựng năm 2021.

Có đường mới, cuộc sống đi lại của dân bản được cải thiện hơn, giao thương buôn bán thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo cho nhân dân.

Chị Lâu Thị Dúa (39 tuổi, trú tại bản Ché Lầu) cho biết, từ khi có đường mới việc đi lại của bà con trong bản vô cùng thuận tiện, hiện nay đi từ bản xuống trung tâm xã mất không đến 1 tiếng đồng hồ.

“Con đường mùa Xuân” - nối từ trung tâm xã đến bản Ché Lầu. Ảnh: Quách Du

Ông Thao Văn Lâu - Trưởng bản Ché Lầu cho biết, bao đời nay, người dân trong bản gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhưng được sự quan tâm của Nhà nước, hiện nay con đường bêtông thẳng tắp đã chạy qua bản giúp cho việc giao thương, đi lại của dân bản được thuận lợi hơn. “Nhiều người cứ ví von; đây là con đường mùa Xuân của người dân bản sau nhiều năm chờ đợi” - ông Lâu chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn