MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Gặp gỡ người nông dân liều mình vay hàng trăm triệu chế tạo máy vót đũa

QUÁCH DU LDO | 19/11/2023 09:10

Thanh Hóa - Trải qua nhiều nghề ở nhiều nơi để kiếm sống, nhưng khó khăn vẫn liên tục đeo bám, cực chẳng đã, người đàn ông ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) quyết định về quê tìm kế “thoát nghèo”. Nhận thấy ở quê nhà nhiều tre, luồng, ông đã đi vay tiền, mày mò chế tạo máy vót đũa.

Hành trình ăn chay chế tạo máy

Đến thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa hỏi ông Hà Đức Tài (46 tuổi, người chế tạo máy vót đũa) không ai không biết, bởi ông Tài là người được người dân nơi đây ví von là “lão nông vót đũa bằng máy”.

Sau một thời gian miệt mài, ông Tài chế tạo thành công máy sơ chế đũa. Ảnh: Q.D

Chia sẻ về biệt danh người dân gán cho mình, ông Tài tươi cười cho biết, ông từng trải qua nhiều công việc khác nhau, chủ yếu là lao động phổ thông. Đến năm 2021, khi đang làm công nhân xây dựng ở miền Nam, dịch COVID-19 bùng phát khiến ông mất việc làm, không thể bám trụ nơi phố thị phồn hoa, ông quyết định về quê tránh dịch và tìm kế sinh nhai.

Trở về quê, ông luôn đau đáu nên làm gì để có thu nhập, rồi ông chợt lóe ra trong đầu, quê hương mình là thủ phủ của tre, luồng, trong khi đó những năm trở lại đây nhiều người thường hay vót đũa thủ công để bán ra thị trường. Tuy nhiên, việc vót đũa này tốn nhiều thời gian và số lượng lại không được nhiều, thu nhập chẳng đáng là bao. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng "chế tạo máy vót đũa".

“Nghĩ lại đến giờ tôi vẫn không khỏi rùng mình, bản thân không học hành gì nhiều, chưa bao giờ đụng đến máy móc, cơ khí nhưng vẫn quyết tâm làm. Ban đầu tôi tham khảo, học mót trên mạng, sau đó đi mua sắt vụn khắp nơi về bắt đầu mày mò chế tạo máy” - ông Tài chia sẻ.

Chiếc máy vót đũa được ông Tài chế tạo thành công sau gần 1 năm mày mò, nghiên cứu. Ảnh: Q.D

Cũng theo ông Tài, sau khi mua được cơ bản linh kiện, ông nhốt mình trong căn phòng nhỏ để tìm cách chế tạo máy. Chiếc máy đầu tiên ông thực hiện là máy sơ chế đũa ban đầu. Với chiếc máy này, ông đã mất khoảng 5 tháng ròng để nghiên cứu, chế tạo ra. Có chiếc máy khiến cho việc sơ chế, chẻ cây luồng, câu tre được nhanh và năng suất hơn.

“Với làm đũa thì công đoạn sơ chế tốn khá nhiều công sức, tuy nhiên khi có cái máy này lại trở nên vô cùng đơn giản, chỉ cần đưa những khúc tre, luồng vào, máy sẽ dập thành những chiếc đũa thô một cách dễ dàng” - ông Tài cho hay.

Sau khi thành công với chiếc máy sơ chế đũa, ông Tài tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo máy vót và làm bóng đũa. Với các máy này, việc chế tạo có phần phức tạp hơn nhiều, do đó ông đã phải mất gần 1 năm với nhiều công sức, thậm chí quên ăn, quên ngủ để làm. “Ngày hoàn thành máy, nhận nút chạy thử thấy trơn tru, hoạt động tốt, cảm giác ấy rất sung sướng” - ông Tài vui mừng nói.

Các mẫu đũa được sản xuất ra từ chiếc máy ông Tài chế tạo. Ảnh: Q.D

Theo ông Tài, để chế tạo thành công những chiếc máy trên, ông đã vay mượn khoảng hơn 400 triệu động để mua sắt vụn, các loại linh kiện, thiết bị. Thậm chí trong quá trình chế tạo, ông rơi vào trạng thái suy sụp tinh thần, có lúc ông phải chọn cách nhốt mình trong phòng, ăn chay, tĩnh tâm và im lặng để vượt qua những khó khăn, quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình.

Đăng ký sáng chế cho máy vót đũa

Theo ông Tài, sau hơn 2 năm mày mò, nghiên cứu làm ra 3 chiếc máy sản xuất đũa, ông đã sút đi hơn 10kg, khiến nhiều bạn bè khi gặp lại không nhận ra mình. Tuy nhiên đổi lại, những chiếc máy do ông chế tạo đã vận hành trơn tru và đem lại hiệu quả cao.

Ông Tài cho hay, thời gian tới sẽ làm các thủ tục để đăng ký bản quyền sáng chế cho sản phẩm của mình. Ảnh: Q.D

Hiện những chiếc máy của ông Tài chế tạo có thể làm ra khoảng 200 đôi đũa/giờ, gấp hàng chục lần so với phương pháp vót thủ công. Cũng vì thế mà khi biết tin ông chế tạo thành công chiếc máy, nhiều người đã tìm đến hỏi mua, tuy nhiên ông nhất quyết không bán.

“Làm sao tôi có thể bán được khi mà tâm sức, tiền bạc tôi dành ra trong suốt thời gian qua, thậm chí phải đánh đổi nhiều thứ. Tới đây, tôi sẽ làm các thủ tục để đăng ký bản quyền cho sản phẩm của mình" - ông Tài cho hay.

Nói về định hướng sắp tới, ông Tài cho biết, ông vẫn chưa sẵn sàng sản xuất đũa đại trà mà dành thêm thời gian để xây dựng lò sấy đũa thử nghiệm. Khi hoàn thiện đầy đủ các khâu từ hệ thống dây chuyền máy móc, vùng nguyên liệu, tìm kiếm phát triển thị trường… ông mới tiến hành cho sản xuất đũa để bán ra thị trường.

Theo ông Tài, sau khi chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện, ông sẽ cho sản xuất đũa đại trà, phục vụ nhu cầu người dân. Ảnh: Q.D

"Tôi có một tâm nguyện là tạo ra những đôi đũa 3 nhất, đẹp nhất, chất lượng nhất và an toàn nhất. Vậy nên hiện tại tôi đang nghiên cứu xây dựng lò sấy, dùng thảo dược để bảo quản đũa bền đẹp và an toàn, hướng đến một sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng” - ông Tài nói về kết hoạch trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn