MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Văn Chung kết hợp, sáng tạo ra nhiều thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm tiết kiệm sức lao động. Ảnh Hoàng Lộc

Gặp nông dân "trộm" tiền vợ để chế tạo máy sấy lúa "3 trong 1"

HOÀNG LỘC LDO | 21/08/2023 20:38

Một nông dân ở tỉnh Trà Vinh đã “trộm” tiền vợ để kết hợp, cải tiến các thiết bị nông nghiệp nhằm giảm công sức lao động trong giai đoạn thiếu hụt lao động nông thôn. Trong đó, thiết bị máy sấy lúa 3 trong 1 là đạt hiệu quả nhất.

"Trộm" tiền vợ để chế tạo máy

Tìm đến xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, chúng tôi được một nông dân gần 40 năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để sản xuất nông nghiệp nhiệt tình tiếp chuyện. Đó là ông Trần Văn Chung (sinh năm 1964).

Ông Chung cho biết, sau nhiều năm suy nghĩ, tìm tòi học hỏi ở nhiều nơi, đến cuối năm 2017, ông đã lén vợ mua các thiết bị cải tiến máy giê lúa 2 tầng và máy máy sấy lúa "3 trong 1" để giảm từ 40 - 70% công sức lao động cho người sử dụng, đặc biệt trong lúc đang thiếu hụt lao động tại địa phương.

“Thời gian đầu cải tiến máy giê lúa, máy sấy lúa gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là về chi phí, thứ 2 là chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí nên đã thất bại rất nhiều lần. Những lúc đó vợ bất bình, buồn giận rất nhiều, tôi phải lén “trộm” tiền để mua tiếp các thiết bị chế tạo máy”, ông Chung cho biết thêm.

Theo ông Chung, đến cuối năm 2018, máy giê lúa và máy sấy lúa "3 trong 1" đã thành công. Riêng máy sấy lúa được kết hợp sấy - trang - giê là thành quả ông tâm đắc nhất vì giúp tiết kiệm trên 1 triệu đồng tiền thuê người lao động ở 1 lần sấy 15 tấn.

This browser does not support the video element.

Ông Trần Văn Chung bày tỏ mừng vui khi có nhiều thiết bị được áp dụng giúp giảm bớt sức lao động. Video: Hoàng Lộc

Cũng trong năm 2018, ông Chung cải tiến máy cấy lúa cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khoảng cách giữa những cây lúa của địa phương.

“Kỹ sư sáng chế ra máy cấy lúa có khoảng cách với nhau là 25cm do sử dụng với giống lúa có thời gian dài trên 120 ngày. Còn đối với địa phương chỉ cấy với khoảng cách 20cm do giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 90 ngày”, ông Chung cho biết thêm.

Cười tươi bên cuộc trò chuyện, bà Trần Thị Mùi (sinh năm 1966), vợ ông Chung cho biết, lúc đầu cũng giận nhưng vì chồng có ý tốt muốn tạo ra những loại máy có thể giảm nhân công lao động nên cũng chấp nhận cho qua. “Đáng giận nhất là lúc đó chồng tôi lén lấy tiền mua các thiết bị để tạo ra những loại máy như hiện nay”, bà Mùi cho biết thêm.

Sẽ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh - cho biết, nông dân Trần Văn Chung là điển hình trong việc cải tiến các thiết bị trong sản xuất nông nghiệp thành một loại máy có tính năng vượt trội.

Ông Trần Văn Chung là nông dân đã có nhiều thiết bị máy móc giúp ít cho việc sản xuất lúa của người dân địa phương. Ảnh: Hoàng Lộc

Theo ông Dũng, thời gian qua, ông Chung được Hội Nông dân mời tham gia nhiều lớp tập huấn về kiến thức nông nghiệp để áp dụng trong sản xuất. Đây là điều kiện để ông phát huy ý tưởng cải tiến của mình.

Hội Nông dân tỉnh cũng tạo điều kiện để ông Chung tiếp cận các nguồn vốn vay để có thêm kinh phí cải tiến các thiết bị máy mới, phục vụ công tác sản xuất nông nghiệp.

“Ông Chung đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp trong đó đáng ghi nhận là Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng cho 100 nông dân xuất sắc năm 2022”, ông Dũng cho biết thêm.

Cuối buổi trò chuyện, ông Chung vui vẻ cho biết thêm, bản thân đang trong quá trình nghiên cứu kết hợp các loại máy để chế tạo thêm cả hệ thống phun thuốc tự động, để không ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn