MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trần Đình Giao (đứng giữa) trong buổi lễ vinh danh ngày 29.11.

Ghi nhận đóng góp của nhà sáng chế đạt giải quốc tế

Minh Minh LDO | 29/11/2020 20:00
Sáng 29.11, tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, đã diễn ra chung kết Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2020.

Lần đầu vinh danh nhà sáng chế đạt giải quốc tế

Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ vinh danh và trao chứng nhận tham gia Techfest của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN) và Hiệp hội Sáng chế Việt Nam cho 4 nhà sáng chế đoạt giải thưởng quốc tế.

Ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long (viết tắt Công ty Hoàng Long), gây chú ý với hệ thống xử lý khói bụi, đảm bảo vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng của lò hỏa thiêu đang áp dụng tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình, tỉnh Nam Định.

Ông Trần Đình Giao được trao chứng nhận đạt giải tại Techfest 2020.

Từ 2012, khi Công ty Hoàng Long bắt đầu nhận dự án xây dựng lò hoả thiêu tại Nam Định, ông Giao lao vào nghiên cứu. Ông đi tham quan các nước trên thế giới để tham khảo công nghệ lò hỏa thiêu. Đồng thời, ông đến tất cả các lò thiêu trong nước. Ông nhận thấy là tất cả ống khói của lò thiêu ở những nơi ông đi qua đều đưa thẳng lên trời. Điều này khiến ông trăn trở phải thiết kế, cải tiến làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa bảo vệ môi trường.

Thế rồi, ông tìm cách, thử bẻ gập ống khói xuống lòng đất. Qua quan sát, ông thấy lượng khí thải ra từ lò thiêu lớn, lượng gió thổi ra tương đương cấp 9 trong khi hơi nóng tỏa ra là 500 độ C. Ông phát hiện sức nóng này có thể làm sôi nước. Gió thổi cấp 9 mà thành dòng thì có thể đẩy nước chảy tuần hoàn thay vì thoát ra môi trường.

Phát hiện ra điều này, ông say mê thiết kế trên máy tính, làm tất cả mô hình từ nhỏ đến lớn, tạo ra mương tuần hoàn.

“Tôi lợi dụng sức gió cấp 9 này đẩy nước thành dòng nhiệt độ là 500 độ C ra trước cửa ống khói. Theo đó, nhiệt làm nước sôi lên và nước bốc hơi dập bụi, mùi xuống. Cứ như vậy khí thải không xả ra môi trường nữa”, ông Giao kể về sáng kiến của mình.

Sau nhiều lần thí nghiệm, trong đó không ít lần thất bại khi chiếc lò thử nghiệm của ông nổ tung, ông Giao đã nghiên cứu thành công hệ thống đưa khói bụi từ lò thiêu thông qua ống dẫn ra môi trường và hệ thống dập bụi khói bằng mương tuần hoàn bên ngoài lò. Sáng chế của ông đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng tạo hữu ích.

Trong 2 năm đầu, Công ty Hoàng Long đưa vào thử nghiệm 2 lò đầu tiên. Ông Giao chia sẻ trong quá trình hoạt động, các chi tiết chưa tối ưu mới được hoàn thiện dần. Đến năm 2017, công ty có 7 lò hoàn thiện và chạy ổn định tại tỉnh Nam Định với 700 - 1.000 lượt sử dụng/tháng.

Ông Trần Đình Giao với chứng nhận đạt Huy chương vàng.

So với các lò xả thẳng khói lên cao hiện nay, việc áp dụng 2 hệ thống này khắc phục 100% khói bụi từ lò thiêu ra ngoài môi trường.

“Nếu nói về quan trắc môi trường, những lò thiêu này tuyệt đối không làm ảnh hưởng tới người dân. Kể cả đứng sát lò cũng không có cảm giác nóng hay mùi”, ông Giao khẳng định.

Việc áp dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm thời gian thiêu gấp 3 lần so với các lò thiêu thông thường (45 - 75 phút so với 150 phút), giải quyết nhu cầu an táng của người dân Nam Định và một số tỉnh thành khu vực Đông Bắc Bộ.

Được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng sáng chế giải pháp hữu ích, ông Giao chủ động tìm kiếm các cuộc thi tôn vinh những sáng chế phục vụ cuộc sống để ứng thi nhằm học hỏi, tìm kiếm các công nghệ mới nhằm nâng cấp thêm công nghệ của mình. Với công trình Hệ thống xử lý khói thải lò hỏa thiêu, ông đã đạt Huy chương vàng Cuộc thi sáng chế và sáng tạo quốc tế dành cho các Sáng tạo mang tính xã hội do Euro Business Haller tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Phát triển Kinh tế Ba Lan và Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ Thế giới.

Tâm nguyện đóng góp cho cộng đồng giải pháp hữu ích

Là người đứng đầu công ty, ông Giao cho biết bản thân luôn tâm niệm sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Ít ai biết rằng ý tưởng về lò thiêu không xả thải ra môi trường được ông Giao ấp ủ nhiều năm trước khi được nhận dự án xây dựng lò thiêu. “Điều này xuất phát từ tâm huyết của chúng tôi. Tôi không màng tới chuyện chi phí nên kể cả lúc thử nghiệm thất bại, bị phá đi vài lần, tôi vẫn quyết tâm làm”, ông Giao chia sẻ.

Tâm nguyện lớn nhất của ông Giao là chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm để giúp đỡ các địa phương cải thiện môi trường: “Trong thời gian tới, tôi mong muốn chuyển giao công nghệ này cho các tỉnh nghèo, các tỉnh miền Trung hay bị lũ lụt và các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long. Vì mùa nước ngập hết rồi, thì không có chỗ an táng, thì người dân sẽ đưa thân nhân của mình vào thiêu. Như vậy vừa tiện lợi văn minh lại đảm bảo về mặt môi trường”.

Đánh giá cao sáng kiến của Công ty Hoàng Long cũng như 3 đơn vị còn lại, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết, qua chương trình Techfest cho thấy các ý tưởng sáng tạo của Việt Nam vô cùng phong phú. Trong đó, có cả ý tưởng trong nước và nước ngoài, các bạn học sinh, sinh viên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng hội tụ cùng năm nay.

“Các ý tưởng chúng ta đem đi ở các cuộc thi về sáng chế đã được nước ngoài đánh giá rất cao. Đây là ý tưởng, nguồn lực lớn. Nếu chúng ta có chính sách, cơ chế tạo điều kiện thì những nguồn lực ấy được giải phóng sẽ đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế, xã hội của Việt Nam trong tương lai”, ông Tùng nói.

Trong số gần 20 công viên nghĩa trang trên toàn quốc, Công viên nghĩa trang Thanh Bình được đánh giá cao vì công nghệ thân thiện môi trường, hiện đại và dịch vụ tận tâm. Có được điều đó, Ban lãnh đạo Công ty tâm niệm, việc chăm lo đời sống cho cán bộ để họ có “tâm an”, chuyên cần với công việc. Công ty có 40 cán bộ công nhân viên với thu nhập trung bình 7 triệu/tháng. Ngoài lương tháng thứ 13, các công nhân còn được hưởng phụ cấp bữa ăn hàng ngày 30 nghìn/bữa ăn theo ca. có phòng, khu vực nghỉ ngơi riêng cho cán bộ công nhân. Người lao động được hưởng 2 lần du lịch/năm và các kì thưởng. Môi trường làm việc này là mong muốn của nhiều người dân ở vùng thôn quê như Nam Định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn